Vướng định mức đơn giá: Chủ đầu tư và nhà thầu cùng “méo mặt”

09:02' - 03/10/2018
BNEWS Bất cập trong hệ thống định mức đơn giá, nhiều dự án nhiệt điện do PVN làm chủ đầu tư như Sông Hậu 1 hay Long Phú 1 đang có nguy cơ chậm tiến độ.
Với những bất cập trong hệ thống định mức đơn giá hiện nay, nhiều dự án nhiệt điện do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư như Sông Hậu 1 hay Long Phú 1 đang có nguy cơ chậm tiến độ bởi các nhà thầu không thể cân đối tài chính để triển khai dự án.

*Chồng chéo định mức đơn giá

Là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn 2013-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách, lẽ ra các tổ máy của Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 phải đưa vào vận hành trong năm 2019.

Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, nằm bên sông Hậu thuộc Hậu Giang đang được xây dựng. Ảnh minh họa: Duy Khương/TTXVN
Tuy nhiên, do những vướng mắc trong hệ thống định mức đơn giá hiện hành, việc thanh toán giữa chủ đầu tư và tổng thầu Lilama đã không suôn sẻ khiến cho dự án gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Báo cáo mới nhất theo bảng tiến độ cấp 3 hiệu chỉnh mà tổng thầu Lilama đưa ra ngày 24/9 vừa qua cho thấy, Nhiệt điện Sông Hậu sẽ phát điện tổ máy 1 vào tháng 12/2020 và phát điện tổ máy 2 vào tháng 4/2021. Hiện tổng tiến độ lũy kế của dự án mới đạt gần 65% sau hơn 3 năm triển khai.

Lý giải về những khó khăn trong triển khai dự án, ông Hồ Xuân Hiền, Trưởng ban Quản lý dự án Nhiệt điện Sông Hậu cho biết, một số định mức xây dựng, lắp đặt của Dự án hiện đang được hướng dẫn đồng thời trong nhiều Bộ định mức được ban hành như: Quyết định 3814/QĐ-BCN năm 2006 của Bộ Công nghiệp về việc ban hành định mức dự toán chuyên ngành công tác lắp đặt thiết bị nhà máy nhiệt điện, Quyết định 1161/QĐ-BXD năm 2009 của Bộ Xây dựng về việc công bố định mức dự toán xây dựng công trình – phần lắp đặt máy, thiết bị công nghệ dẫn đến lúng túng cho cả chủ đầu tư và tổng thầu trong việc áp dụng vào thực tế.

Bên cạnh đó, một số định mức áp dụng đã ban hành tương đối lâu, chưa phản ánh đủ chi phí mà nhà thầu thực hiện theo thực tế hiện nay cho Dự án. Đơn cử như giá cát tại thời điểm hiện nay đã tăng gấp 3 - 4 lần so với thời điểm nhà thầu ký hợp đồng do các quy định cấm nạo vét.

Hay như chi phí nhân công theo hệ thống thang bảng lương và quy định hiện hành chưa theo kịp mặt bằng lương nhân công thực tế tại khu vực công trường của dự án.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Lilama chia sẻ, đối với dự án Sông Hậu 1 thì trên danh nghĩa Lilama là tổng thầu EPC, nhưng thực tế Lilama không được triển khai trọn gói tổng thầu EPC như ở các dự án nhiệt điện Cà Mau, Nhơn Trạch, Vũng Áng và Uông Bí.

Theo đó, việc thanh toán cho phần xây dựng, lắp đặt, gia công chế tạo là gói điều chỉnh áp dụng theo cơ chế đặc thù “thực thanh, thực chi” trên cơ sở Quyết định số 2414/QĐ-TTg về việc điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013 - 2020 nhằm đảm bảo đủ chi phí cho nhà thầu xây dựng.

Tuy nhiên, phương án điều chỉnh này phụ thuộc vào các đơn giá mà đơn giá biến động theo thị trường và thời gian, trong khi đơn giá của nhà nước chưa cập nhật nên có khi toàn bộ hồ sơ thanh toán không đủ cơ sở để phê duyệt mặc dù công việc đã được hoàn thành từ lâu.

"Thực ra, khi triển khai dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, cả Chủ đầu tư và nhà thầu đều không lường trước được những mâu thuẫn trong quy định, thông tư, có công việc có thể tính theo cách này hay cách khác dẫn đến những vướng mắc như vậy", ông Hùng thừa nhận.

Thực tế để triển khai các công việc xây dựng, Lilama phải sử dụng thầu phụ mà phải tính toán chi phí để đảm bảo triển khai. Tuy nhiên, khi triển khai thì các định mức đơn giá mà chủ đầu tư đưa ra không đủ chi phí và các bên gồm chủ đầu tư, tổng thầu, nhà thầu phụ và viện kinh tế xây dựng, tư vấn phải xây dựng định mức đơn giá mới đủ đảm bảo chi phí, từ việc bóc tách khối lượng.

Theo đó, giá trị thật sau khi xây dựng xong cao hơn giá dự toán nên chủ đầu tư e ngại trong việc điều chỉnh. Và nếu chủ đầu tư không điều chỉnh thì sẽ không có nhà thầu nào làm vì làm sẽ bị lỗ.

Việc chấp thuận đơn giá mới này sẽ rất khó khăn. Đứng về phương diện chủ đầu tư thì cũng phải cẩn trọng tính toán nên ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Khúc mắc này đã được kiến nghị ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án và đến tận bây giờ vẫn chưa được giải quyết triệt để, ông Hùng cho biết.

*Tiến độ kéo dài kéo theo thiệt hại

Với tổng thầu như Lilama, việc chậm tiến độ dự án đồng nghĩa với việc phát sinh nhiều chi phí, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh vì Tổng Công ty đang huy động hàng nghìn công nhân và máy móc trên công trường.

Theo ông Hùng, hiện Lilama chỉ được thanh toán 80% giá trị hợp đồng, đúng ra phải thanh toán 92%, còn lại sẽ giữ đến khi kết thúc.

Nhưng do không giải quyết được vướng mắc nên các bên thống nhất tạm thanh toán với điều kiện Lilama phải mở bảo lãnh thanh toán bởi chủ đầu tư lo ngại nếu con số thực thanh toán nhỏ hơn tạm thanh toán thì khó thu hồi.

Công trường Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1. Ảnh: PVN
Tuy nhiên, việc tạm thanh toán này cũng không ổn với nhà thầu bởi làm phát sinh chi phí, trong khi bản thân Lilama thiếu hụt dòng tiền do vướng thanh toán.

Vì vậy, Lilama đang bị nợ đọng, không đủ vốn để triển khai và bất cập này đang đẩy doanh nghiệp rơi vào tình trạng “càng làm càng lỗ”.

Trong khi đó, với chủ đầu tư như PVN, dự án Sông Hậu 1 và các dự án nhiệt điện khác mà đưa vào chậm thì chắc chắn hiệu quả của dự án cũng bị ảnh hưởng bởi liên quan mật thiết tới việc trả nợ lãi vay, đến trượt giá và bán điện, ông Hùng khẳng định.

Về phía đại diện chủ đầu tư, ông Hồ Xuân Hiền cho biết, PVN hiểu rõ những khó khăn của các nhà thầu xây dựng và lắp đặt trên công trường khi không có đủ dòng tiền để thi công dự án.

Vì vậy, Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Sông Hậu kiến nghị các cơ quan quản lý sớm thống nhất định mức mới áp dụng cho dự án để tháo gỡ khó khăn cho cả chủ đầu tư PVN và tổng thầu xây dựng Lilama.

Một số định mức chuyên ngành về thiết kế, gia công, chế tạo dự án nhiệt điện đã được Bộ Công Thương ban hành (Quyết định 2572/QĐ-BCT năm 2013 về việc ban hành định mức dự toán chuyên ngành thiết kế, chế tạo thiết bị dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 và Quỳnh Lập 1) nhưng chưa được thỏa thuận với Bộ Xây dựng nên chủ đầu tư và tổng thầu cũng gặp khó khăn khi vận dụng.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khẳng định, nếu những vướng mắc về hệ thống định mức đơn giá không sớm được xử lý thì không chỉ doanh nghiệp bị thiệt hại kinh tế mà việc đảm bảo điện cho khu vực miền Nam những năm tới đây cũng bị ảnh hưởng do các dự án điện không thể đi vào hoạt động đúng tiến độ.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cảnh báo, những vướng mắc này còn có thể khiến các nhà thầu trong nước “nhụt chí” chấp nhận làm nhà thầu phụ cho tổng thầu nước ngoài ngay chính trên “sân nhà”, cho dù thừa năng lực làm tổng thầu các dự án.

Thực tế khi triển khai dự án nhiệt điện Vĩnh Tân, Lilama làm thầu phụ cho tổng thầu Doosan Hàn Quốc. Ở dự án này, Lilama không bị quy định khung định mức giá Việt Nam hiện hành mà tổng thầu cho phép tính đơn giá theo thực tế thị trường.

Theo đó, Lilama thanh quyết toán công trình rất thuận lợi, hoàn thành đến đâu nhận tiền đến đó và tiến độ dự án luôn đảm bảo.

Vì vậy, nếu tình trạng bất cập như hiện nay không sớm được tháo gỡ, Lilama sẽ chọn phương án làm nhà thầu phụ cho tổng thầu nước ngoài để đảm bảo an toàn hiệu quả thay vì cố duy trì vị thế tổng thầu để rồi gặp rủi ro, Phó Tổng Giám đốc Lilama Nguyễn Văn Hùng cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục