Vượt khó giải ngân vốn đầu tư công

09:59' - 11/07/2024
BNEWS Từ đầu năm 2024 đến nay, công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Đồng Tháp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là sức ép từ thiếu hụt nguồn cát san lấp và giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình giải ngân vốn đầu tư công đạt những kết quả tích cực, tỉnh quyết tâm đến cuối năm nay, tỷ lệ giải ngân đạt 100%.

 

Tiếp tục gặp khó

Dự án nâng cấp Quốc lộ 30 giai đoạn 3 (tuyến tránh thành phố Cao Lãnh) dài gần 15 km, tổng mức đầu tư trên 912 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 nhưng bị vướng giải phóng mặt bằng 4 hộ. Bên cạnh đó, nguồn cát khan hiếm cũng ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Các cầu trên tuyến đã xây dựng cơ bản hoàn thành nhưng còn nhiều đoạn thiếu cát đắp nền đường. Theo thiết kế, một số đoạn gia tải xử lý nền đường (thuộc gói thầu số 9 và 11) có thời gian kéo dài qua năm 2025. Vì vậy phải thực hiện thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, trong quá trình thực hiện các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn chung và lớn nhất là khan hiếm nguồn vật liệu cát san lấp và đất đắp lề lường. Cùng với đó là vướng giải phóng mặt bằng kéo dài như: cầu Kênh Tứ tuyến ĐT-844, cầu Hòa Bình và cầu An Bình tuyến ĐT-845... Khó khăn tiếp theo nữa là năng lực nhà thầu thi công suy giảm sau một thời gian triển khai thi công, hồ sơ khảo sát thiết kế đôi khi có sai sót, không phù hợp phải điều chỉnh phát sinh nhiều lần.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, năm nay, công tác giải ngân vốn đầu tư công của Đồng Tháp bị sức ép lớn. Trong bối cảnh nguồn cát khan hiếm nên năm 2023, tỉnh ưu tiên thực hiện những công trình, hạng mục công trình chưa sử dụng nhiều cát. Năm nay, đến thời điểm phải tập trung thi công những hạng mục còn lại có nhu cầu nhiều về cát để hoàn thành công trình. Do vậy, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Đồng Tháp đã nhận diện được khó khăn về nguồn cát san lấp.

Tổng khối lượng cát mà Đồng Tháp cung cấp cho dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Cao Lãnh - An Hữu và Mỹ An - Cao Lãnh là khoảng 14 triệu m3. Hiện nay, nguồn cát phục vụ cho những công trình sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do phải thực hiện theo quy trình, chuyển đổi phương thức nên mất nhiều thời gian. Trước đây, việc khai thác cát giao cho Công ty Cổ phần xây lắp và vật liệu xây dựng Đồng Tháp, thủ tục khá đơn giản. Còn hiện nay, chuyển qua hình thức là phải tổ chức đấu giá mỏ nên thực hiện nhiều bước và thủ tục nên cần nhiều thời gian hơn. Dự kiến khoảng tháng 10/2024, sẽ hoàn thiện thủ tục đấu giá mỏ, tiến hành khai thác và cung ứng cát cho công trình sử dụng vốn đầu tư công trong tỉnh.

UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định, điểm nghẽn trong việc thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của các dự án là quy trình tổ chức thực hiện của một số chủ đầu tư đôi khi còn thiếu sự quyết liệt, chưa chủ động trong việc kiểm tra, kiểm soát (nhất là công tác chuẩn bị đầu tư, phối hợp giải phóng mặt bằng thi công...) để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng mất quá nhiều thời gian. Quy trình giải phóng mặt bằng gồm các bước: khảo sát đo đạc, xử lý bản đồ địa chính, thông báo thu hồi đất, trình phê duyệt phương án giá đất… mất khoảng 224 ngày. Một số địa phương được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng triển khai còn chậm, phối hợp chưa chặt chẽ với các sở, ban, ngành tỉnh; thực hiện chưa quyết liệt, làm phát sinh khiếu nại, kéo dài thời gian, ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của dự án, nhất là các dự án giao thông trọng điểm đi qua nhiều địa bàn; đồng thời, chưa đăng ký kế hoạch vốn giải phóng mặt bằng ngay từ đầu năm.

Phấn đấu giải ngân vốn đạt 100%

Đối với dự án có nhu cầu sử dụng ít cát và mặt bằng “sạch”, các chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Điển hình là dự án kè Hổ Cứ - giai đoạn nối dài đến cầu Cao Lãnh thuộc địa bàn Phường 6 và xã Tịnh Thới (thành phố Cao Lãnh) với chiều dài 2.200 m. Ông Nguyễn Văn Nhiều, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho hay, vốn đầu tư dự án này hơn 277 tỷ đồng, thời gian thi công từ tháng 4 - 11/2024. Nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, máy móc, đẩy nhanh tiến độ thi công. Sau khoảng 3 tháng, dự án triển khai xây dựng đạt khoảng 51% giá trị hợp đồng, đã giải ngân vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2024, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh (kể cả vốn năm 2023 kéo dài chuyển sang) là hơn 6.929 tỷ đồng; trong đó, vốn năm 2023 kéo dài chuyển sang gần 252 tỷ đồng; vốn năm 2024 là 6.677,677 tỷ đồng, đến nay, đã phân bổ chi tiết 6.604,677 tỷ đồng, đạt 98,91% so với kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Đồng Tháp đã giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 50,15% so với kế hoạch vốn tỉnh giao và đạt 50,8% so với kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Phạm Thiện Nghĩa cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành hải quan tỉnh “khai thông” cho nhập khẩu mặt hàng cát. Trong 6 tháng đầu năm 2024, có gần 2 triệu m3 cát được nhập khẩu vào tỉnh Đồng Tháp, góp phần vừa bình ổn giá thị trường, vừa cung cấp nguồn cát, phục vụ cho nhiều công trình (không chỉ ở Đồng Tháp). Tuy gặp một số khó khăn nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở Đồng Tháp vẫn còn ở mức cao, nằm trong tóp đầu các tỉnh của cả nước. Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tập trung giải quyết vướng mắc, quyết tâm đến cuối năm giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%.

Để đảm bảo sử dụng nguồn vốn có hiệu quả và phấn đấu giải ngân cả năm 2024 đạt 100% kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố tiếp tục quan tâm hơn nữa, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội; xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.

UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện những biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn cho các công trình quan trọng, dự án trọng điểm kết nối, có tác động và ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt là những dự án liên vùng, liên huyện, liên xã; sử dụng vốn ODA, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ… Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí xem xét khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm của cơ quan, tổ chức và các đơn vị có liên quan để đề xuất khen thưởng hoặc xử lý theo quy định đối với những trường hợp giải ngân chậm.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương phải xây dựng và thực hiện nghiêm kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của từng dự án. Phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, bộ phận trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân; thường xuyên kiểm tra tiến độ tại thực địa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổ chức họp giao ban định kỳ hàng tuần với cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân vốn đầu tư công; định kỳ hàng quý rà soát và chủ động đề xuất điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt nhưng còn thiếu vốn, để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 100% kế hoạch.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục