Vượt khó giữ vững dòng điện - Bài 3: Tăng cường đầu tư cho lưới điện

11:55' - 22/05/2024
BNEWS Để đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, giảm thiểu các sự cố xảy ra, việc đầu tư nâng công suất, thay thế các thiết bị tại trạm biến áp và trên đường dây là hết sức cần thiết.
Thực tế những năm qua cho thấy, nhu cầu sử dụng điện cũng như áp lực trong đảm bảo truyền tải điện đều tăng cao mỗi khi bước vào mùa nắng nóng. Để hạn chế thấp nhất những sự cố xảy ra, cũng như nâng cao năng lực truyền tải điện, các đơn vị truyền tải điện thuộc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã đẩy mạnh đầu tư các dự án nâng công suất, cải tạo đường dây.

Ông Hà Thanh Xuân, Phó Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai cho hay, hiện nay Truyền tải điện Gia Lai đã triển khai hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án “Nâng công suất Trạm 500 kV Pleiku 2 với giai đoạn 1 thay máy AT1 từ 450 MVA lên 900 MVA” để nâng cao khả năng giải tỏa công suất trong khu vực; Dự án trang bị đồng bộ thiết bị trên lưới, thay thế dao cách ly đáp ứng sự phát triển nhanh của nguồn và lưới điện trong thời gian tới. 

 
Cùng với đó, Truyền tải điện Gia Lai cũng đang thực hiện Dự án lắp máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220 kV Chư Sê, nâng công suất Trạm 500 kV Chư Sê lên gấp đôi từ 125 MVA lên 250 MVA. Mục tiêu dự án là hỗ trợ thu gom nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực để truyền tải lên lưới điện quốc gia; giảm tổn thất công suất cực đại lưới điện khu vực; nâng cao, cải thiện điện áp lưới điện 110 kV khu vực.

Với Dự án Smart Grid chuyển đổi hệ thống điều khiển cổ điển sang hệ thống tích hợp tự động tại trạm biến áp 500 kV Pleiku nhằm tăng cường hiệu quả vận hành lưới truyền tải điện 220 kV và 500 kV, tăng độ tin cậy của hệ thống lưới điện và phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay, dự kiến hoàn thành trong năm 2024; Dự án cải tạo Đường dây 220 kV Pleiku 2 – Krông Buk mạch 2 (mạch 2) dài gần 120 km, dự kiến quý IV/2024 đóng điện.

Theo ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Giám đốc Truyền tải điện Đắk Nông, để đáp ứng khả năng truyền tải điện, kịp thời giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và các tỉnh khu vực Tây Nguyên lên hệ thống điện quốc gia, Truyền tải điện Đắk Nông đã phối hợp Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam hoàn thành thay máy biến áp AT2 từ 450 MVA lên 900 MVA và ngăn lộ tổng 232 thuộc dự án nâng công suất Trạm 500 kV Đắk Nông (giai đoạn 1).

Hiện đơn vị đã và đang phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam thay thế lần lượt thiết bị các ngăn lộ, ngăn xuất tuyến phía 220 kV, chuẩn bị thay thế 2 thanh cái máy biến áp AT1 từ 450 MVA lên 900 MVA và ngăn lộ tổng 231 thuộc dự án nâng công suất Trạm biến áp 500 kV Đắk Nông (giai đoạn 2). 

Là một trong những trạm biến áp quan trọng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Trạm biến áp 500 kV Di Linh là điểm nút quan trọng trong việc tiếp nhận, giải tỏa công suất từ các nhà máy Thủy điện Đa Nhim, Hàm Thuận, Đa Mi, Đại Ninh, Đồng Nai 2 và các nguồn năng lượng tái tạo lên hệ thống điện Quốc gia để cung cấp cho phụ tải khu vực Lâm Đồng và các tỉnh khu vực phía Nam. Vì lẽ đó, việc đầu tư, nâng cao năng lực tải của trạm là hết sức quan trọng. 

Chia sẻ tại Trạm biến áp 500 kV Di Linh, ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Truyền tải điện Lâm Đồng cho hay, từ khi đóng điện Trạm biến áp 500 kV Di Linh vào năm 2007 đến nay với 2 máy biến áp 450 MVA, trạm chưa để xảy ra sự cố nào. Do sự phát triển của lưới điện, việc truyền tải từ lưới 220 kV lên 500 kV hiện nay trong thời điểm bình thường vẫn có thể đảm bảo. Nhưng nếu có sự cố tại 1 máy biến áp thì sẽ dẫn đến quá tải. Và ở tương lai gần khi nguồn năng lượng tái tạo đưa lên lưới truyền tải điện nhiều hơn nữa, khả năng đảm bảo ngay cả trong chế độ vận hành bình thường cũng sẽ rất khó khăn. 

PTC3 và Truyền tải điện Lâm Đồng đang thực hiện dự án nâng công suất Trạm biến áp 500 kV Di Linh với việc thay thế 2 máy biến áp 450 MVA cũ bằng 2 máy biến áp 900 MVA, cùng một số thanh cái và thiết bị đóng cắt phía 220 kV để đáp ứng khả năng chịu đựng dòng ngắn mạch.

Ông Đỗ Phi Hùng cho biết thêm, đây là một trong những dự án trọng điểm của PTC3 nhằm giải tỏa công suất công suất các nguồn điện khu vực Lâm Đồng và Tây Nguyên lên hệ thống điện Quốc gia; tăng cường liên kết hệ thống, nâng cao độ an toàn, tin cậy, chất lượng điện năng cho lưới điện khu vực; Giảm tổn thất điện năng trong lưới truyền tải, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT). Dự kiến theo tiến độ, dự án này vào cuối tháng 12/2024 sẽ đóng điện máy biến áp thứ 1 và máy 2 sẽ đóng điện vào quý II/2025.

Mặc dù nguồn lực tài chính gặp nhiều khó khăn, song phía ngành điện cho biết, để đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, giảm thiểu các sự cố xảy ra, việc đầu tư nâng công suất, thay thế các thiết bị tại trạm biến áp và trên đường dây là cần thiết, nhất là khi dự báo những năm tới, nhu cầu sử dụng điện cũng như truyền tải điện tăng cao.

Ngoài việc tăng cường đầu tư mở rộng, thay thế thiết bị tại các trạm biến áp, ông Đinh Văn Cường, Phó Giám đốc PTC3 cũng cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, lập phương án bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị theo quy định; rà soát các chủng loại vật tư, thiết bị trên lưới đã từng xảy ra nhiều hư hỏng, khiếm khuyết, nằm trong danh mục hạn chế mua sắm.

Đặc biệt đơn vị sẽ có những đánh giá tình trạng vận hành hiện tại và dự báo trong tương lai, khi các nguồn năng lượng tái tạo đưa lên lưới truyền tải điện nhiều hơn để có phương án sửa chữa, thay thế kịp thời; tăng cường bảo dưỡng, vệ sinh thiết bị; bám sát tình hình vận hành thực tế để đảm bảo an ninh cung cấp điện, lãnh đạo PTC3 chia sẻ. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục