Vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện miền Đông 1 trong giai đoạn nắng nóng

15:16' - 08/05/2024
BNEWS Truyền tải điện Miền Đông 1 (Truyền tải điện 4) đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện khu vực trong thời điểm diễn biến nắng nóng bất thường.

Hiện Truyền tải điện miền Đông 1 đang truyền tải tổng công suất 12.221,66 MW từ 16 nhà máy điện của 3 tỉnh là Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận lên hệ thống điện quốc gia; trong đó cụm nhiệt điện Vĩnh Tân và Phú Mỹ có vai trò quan trọng trong hệ thống điện quốc gia.

 

Với phương thức truyền tải trên lưới điện 500kV như hiện nay, công suất từ cụm Nhà Máy điện Vĩnh Tân truyền tải qua các đường dây 500kV Vĩnh Tân-Sông Mây, Trạm 500kV Sông Mây và các đường dây 500kV Sông Mây-Tân Định rất cao (1900A/2000A).

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sắp tới đây trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài và gay gắt. Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sự vận hành hệ thống truyền tải điện trong thời điểm diễn biến nắng nóng bất thường của thời tiết, Truyền tải điện Miền Đông 1 đã huy động toàn bộ lực lượng hơn 130 kỹ sư, công nhân tận dụng tối đa thời gian cắt điện ban đêm để triển khai đồng bộ việc kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết trên đường dây 500kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên, đường dây 500kV Vĩnh Tân -Sông Mây. Đồng thời kiểm tra, bảo dưỡng, thí nghiệm định kỳ các thiết bị nhất thứ các ngăn lộ tại Trạm biến áp 500kV Sông Mây.

Với khối lượng kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị, xử lý khiếm khuyết lớn, đồng thời chỉ thực hiện trên một mạch, mạch còn lại đang mang điện tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong khi thời gian cắt điện mỗi đêm chỉ từ 18h đến 6h sáng ngày hôm sau, vì thế các đơn vị thi công phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ khâu lập phương án, sắp xếp dụng cụ, bố trí nhân sự, khối lượng thi công phù hợp... Bên cạnh đó, công tác an toàn luôn được đặt lên hàng đầu; trước khi cắt điện thi công, toàn bộ cán bộ, nhân viên đều được phổ biến phương án, kiểm tra sức khỏe, nhắc nhở các yếu tố cần thiết và phổ biến các biện pháp an toàn trong thi công vào ban đêm để đảm bảo sức khỏe cũng như an toàn cho người lao động.

Song song đó, đơn vị cho triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm nhận diện, ngăn ngừa từ sớm các nguy cơ sự cố theo kế hoạch được xây dựng đầu năm như: Rà soát các tồn tại, khiếm khuyết thiết bị,  chuẩn bị các vật tư thiết bị dự phòng nhằm đảm bảo sẵn sàng thay thế nhanh nhất khi xảy ra bất thường, sự cố. Thực hiện đo nhiệt độ và dùng ống nhòm, UAV kiểm tra dây dẫn, dây chống sét, dây cáp quang cho các đường dây 500kV trọng điểm phục vụ trong mùa khô 2024.

Cùng với đó, vệ sinh cách điện đường dây; Tổng kiểm tra hiện trường công trình, bến bãi thi công trong và gần hành lang đường dây 220 kV, 500 Kv; Tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê các điểm có nguy cơ gây mất an toàn để lập kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp xử lý, ngăn ngừa, đặc biệt các khu vực hành lang có cây cao, nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn, khu vực giao chéo với đường dây trung/hạ thế, giao chéo với đường bộ, đường thủy nội địa đang thi công hoặc có phương tiện giao thông vượt chiều cao quy định, khu vực có nguy cơ cháy nổ trong, gần hành lang; khu vực có vật bay vi phạm khoảng cách an toàn.

Đơn vị cũng rà soát ngăn ngừa sự cố do vi phạm hành lang đối với các dự án thi công đường bộ, đường thủy trong/gần hành lang các đường dây 220kV và 500kV đang triển khai và khởi công trong thời gian tới như dự án đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 và 2021 – 2025, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các tuyến đường giao thông kết nối sân bay Long Thành, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đường vào cảng Phước An… nhằm triển khai ngay các biện pháp đảm bảo vận hành an toàn năm 2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục