WB: Cần kết hợp BRT với các phương tiện giao thông khác

17:58' - 07/09/2015
BNEWS TP. Hà Nội đang xây dựng thí điểm dịch vụ xe buýt nhanh (BRT) với sự hỗ trợ về vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về BRT, phóng viên TTXVN đã trao đổi với hai chuyên gia WB.

Cùng với TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, TP. Hà Nội đang xây dựng thí điểm dịch vụ xe buýt nhanh (BRT) trên trục Kim Mã - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa (Hà Đông) với sự hỗ trợ về vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là loại hình giao thông công cộng hoàn toàn mới ở Việt Nam.

Mô hình xe buýt nhanh ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Vì vậy, trong quá trình triển khai, dự án này đã gặp không ít khó khăn, từ việc cơ sở hạ tầng giao thông của Hà Nội, nhất là hạ tầng dành cho BRT, vẫn còn hạn chế cho đến việc người dân Hà Nội chưa hiểu rõ về BRT và ý thức của những tham gia giao thông vẫn chưa tốt...

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về dự án xây dựng BRT ở Hà Nội cũng như các khó khăn trong quá trình thực hiện dự án này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Paul Vallely, Trưởng ban Giao thông, và bà Jen Jungeun Oh, Chuyên gia cao cấp về kinh tế giao thông, của WB tại Việt Nam.

PV: Ông/bà có thể cho biết vì sao WB quyết định tài trợ cho dự án xây dựng BRT ở Hà Nội?

Ông Paul: Vào thời điểm đó, tình trạng ùn tắc giao thông đang gia tăng ở Hà Nội. Chúng tôi đã thảo luận với UBND TP. Hà Nội về vấn đề giao thông công cộng và thành phố đã đề nghị chúng tôi xem xét giúp đỡ giải quyết vấn đề này. Sau đó, chúng tôi đã đề xuất dự án thí điểm xây dựng BRT.

Trên thực tế, WB đã tham gia vào các dự án BRT ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các dự án này đều đang hoạt động rất hiệu quả. BRT có thể vận chuyển một số lượng tương đối lớn hành khách với chi phí thấp hơn rất nhiều so với một số phương tiện khác.

PV: Ông/bà có thể cho biết những khó khăn và thách thức trong quá trình thực hiện dự án BRT ở Hà Nội?

Bà Jen: BRT là một loại hình phương tiện giao thông mới không chỉ ở Hà Nội mà cả Việt Nam. Vì vậy, có rất nhiều thách thức trong việc giới thiệu một loại hình phương tiện giao thông mới cho thành phố, trong đó có các thách thức liên quan tới bản thân hệ thống BRT và các thách thức bên ngoài hệ thống BRT trong mối tương quan với các phương tiện giao thông khác.

Jen Jungeun Oh, Chuyên gia cao cấp về kinh tế giao thông của WB tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Đối với BRT, để có thể hoạt động hiệu quả và an toàn, BRT cần phải sử dụng một làn đường riêng để có thể chuyên chở một khối lượng hành khách lớn với tốc độ cao nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Trong bối cảnh giao thông ở Hà Nội hiện nay, chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều ngay từ ban đầu để có làn đường riêng cho BRT. Tất nhiên, vẫn có những người muốn sử dụng làn đường riêng này, và điều đó không chỉ tạo ra vấn đề trong quá trình vận hành dịch vụ BRT mà còn dẫn tới vấn đề về an toàn.

Bên cạnh đó, khi BRT được đưa vào sử dụng, nhiều người sẽ phải vượt qua đường để tiếp cận các bến xe BRT. Vì vậy, để BRT hoạt động, cần phải có sự điều hành tốt kết hợp với công nghệ.

Mặt khác, hầu như không có ai có thể chỉ sử dụng BRT là có thể đáp ứng nhu cầu đi lại. Họ cần phải đi bộ hoặc sử dụng các phương tiện giao thông khác để đi từ nhà đến bến xe BRT hoặc từ bến xe BRT tới điểm đến cuối cùng. Do vậy, việc kết hợp BRT với các phương tiện giao thông khác là một nhân tố cực kỳ quan trọng để đảm bảo cho sự thành công của BRT.

PV: Như bà đã đề cập, một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình triển khai BRT là làm cho người dân hiểu về BRT và những lợi ích mà loại hình giao thông này đem lại. Theo ông/bà, thành phố cần làm gì để giải quyết vấn đề này?

Bà Jen: Tôi nghĩ rằng TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để cung cấp thông tin cho người dân về các ưu điểm của BRT, phương thức hoạt động của BRT và các dịch vụ liên quan tới BRT. Việc chủ động tuyên truyền cho người dân về vấn đề này là một bước đi quan trọng.

Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự trên thế giới, năm đầu tiên sẽ rất khó khăn do đây là một loại hình giao thông mới. Sẽ có ùn tắc và có sai sót mà chúng ta có thể cần phải điều chỉnh lịch trình hoạt động của BRT, hoặc lượng khách sử dụng BRT cao hơn so với ước tính ban đầu. Hanoi BRT cũng sẽ trải qua vấn đề tương tự. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là đơn vị điều hành BRT cần thu thập phản hồi của người dân cũng như người sử dụng để từ đó tiếp tục cải thiện dịch vụ.

Xe buýt nhanh thường sử dụng làn đường riêng. Ảnh: www.riosemprepresente.com.br
PV: Ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, người ta thường xây dựng BRT để nối các khu vực có mật độ dân cư cao với sân bay gần đó. Tuy nhiên, trong quy hoạch hệ thống BRT ở Hà Nội, tôi không thấy bất cứ tuyến BRT nào nối trung tâm thành phố với sân bay Nội Bài. Ông/bà bình luận như thế nào về vấn đề này?

Ông Paul: Đó là một tuyến mà các phương tiện công cộng như BRT có thể hoạt động. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải hiểu một cách chính xác về nhu cầu của người dân, nắm bắt được họ đang sử dụng phương tiện gì để đến đó và số lượng người đi lại trên tuyến đó là bao nhiêu. Nếu bạn nhìn vào sân bay Nội Bài với nhà ga mới, tại thời điểm hiện nay, số lượng người đi lại trên tuyến đó chưa nhiều. Vì vậy, theo tôi, chúng ta có thể chưa cần xây dựng BRT trên tuyến đó.

Bà Jen: Tôi đồng ý với ý kiến của Paul. Tất nhiên, chúng ta cần một hệ thống giao thông công cộng tốt. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc xây dựng BRT ở đâu là phù hợp nhất. Tuyến BRT đang được xây dựng không phải là toàn bộ hệ thống BRT mà Hà Nội sẽ có. Đó chỉ là một phần của hệ thống sẽ được mở rộng trong tương lai. Và bất cứ tuyến giao thông nào có nhu cầu cao sẽ được xem xét khi chúng tôi và TP. Hà Nội thảo luận về việc sẽ làm gì sau khi hoàn thành tuyến BRT này.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông, bà!

Thực hiện: Thanh Tùng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục