WB hạ triển vọng tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Âu, Trung Á

18:14' - 09/04/2020
BNEWS Ngân hàng Thế giới (WB) đã giảm mạnh triển vọng tăng trưởng đối với các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi ở châu Âu và Trung Á trong năm nay do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã giảm mạnh triển vọng tăng trưởng đối với các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi ở châu Âu và Trung Á trong năm nay do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song cho rằng các nền kinh tế này có thể tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong năm 2021.

Trong báo cáo triển vọng cập nhật mới đây, WB cho biết quyết định hạ đánh giá nói trên là do sự thiếu chắc chắn trong những nỗ lực của các nước nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 và giảm thiểu thiệt hại kinh tế mà nó gây ra. Theo WB, nhiều nước trong khu vực này có khối nợ ngày một gia tăng và thiếu sự chuẩn bị để ứng phó với cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19.

Trong kịch bản bình thường của WB, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi ở châu Âu và Trung Á được dự đoán giảm 2,8% trong năm 2020, trong khi mức giảm này ở kịch bản xấu hơn là 4,4%, tức thấp hơn từ 5,4%-7% so với triển vọng mà WB đưa ra ba tháng trước. Ngân hàng này cho rằng kịch bản xấu nói trên đang có khả năng xảy ra cao hơn so với kịch bản còn lại.

WB nhận định: "Dịch COVID-19 chắc chắn làm giảm triển vọng ngắn hạn khi nó đè nặng lên nhu cầu trong nước, gây áp lực lên giá hàng hóa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu vốn có liên hệ mật thiết, làm giảm hoạt động đi lại và du lịch, cũng như giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của khu vực này”.

Báo cáo nói trên của WB bao trùm khu vực rộng lớn bao gồm Bulgaria, Hungary, Lithuania và Ba Lan, cũng như Serbia, Belarus, Ukraine, Gruzia và Kazakhstan.

WB cho rằng dịch COVID-19 bùng phát vào thời điểm khó khăn đối với khu vực này, khi tăng trưởng của các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi ở châu Âu và Trung Á đã giảm từ 4,3% năm 2018 xuống 2,2% năm 2019. Tăng trưởng khu vực được dự đoán sẽ cải thiện trong năm 2020, thì dịch bệnh lại xảy ra.

WB dự đoán hoạt động kinh tế của khu vực có thể phục hồi đáng kể trong năm 2021, với GDP được dự đoán tăng từ 5,6-6,1%. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào thời điểm các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh được dỡ bỏ, mức tăng của giá hàng hóa và tốc độ phục hồi của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro.

WB còn cho biết các dự báo tăng trưởng đối với khu vực này được đưa ra dựa trên giả thiết về sự phục hồi của Thổ Nhĩ Kỳ, tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở Nga, sự ra đi có trật tự của nước Anh khỏi Liên minh châu Âu và không có diễn biến xấu hơn trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bên cạnh khu vực nói trên, WB ngày 9/4 cũng cảnh báo sự lây lan nhanh của dịch COVID-19 có thể đẩy khu vực Nam Sahara rơi vào suy thoái trong năm 2020. Trong báo cáo Pulse, được công bố mỗi năm 2 lần, WB dự báo kinh tế của khu vực này trong năm 2020 sẽ sụt giảm từ 2,1% đến 5,1% so với mức tăng trưởng 2,4% hồi năm ngoái. Dịch COVID-19 cũng sẽ khiến giá trị sản xuất của khu vực này chịu tổn thất từ 37 tỷ USD đến 79 tỷ USD.

Theo WB, GDP thực tế có thể giảm mạnh tại ba nền kinh tế lớn nhất khu vực gồm Nigeria, Angola, và Nam Phi do tăng trưởng và đầu tư liên tục giảm sút. Các nước xuất khẩu dầu cũng sẽ chịu tác động nặng nề, trong khi tăng trưởng của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi cũng như Cộng đồng Đông Phi có thể sụt giảm đáng kể.

Thể chế tài chính này còn cho rằng sự lây lan của dịch COVID-19 có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng an ninh lương thực tại châu Phi, với sản lượng lương thực được dự báo giảm 2,6%, thậm chí có thể lên tới 7% do giao thương bị phong tỏa. Nhập khẩu lương thực sẽ giảm đáng kể từ 13-25% do giá cao và nhu cầu nội địa giảm sút./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục