WB: Kinh tế Campuchia đang trên lộ trình phục hồi vững chắc

08:58' - 19/05/2023
BNEWS Nền kinh tế Campuchia đang trên lộ trình phục hồi vững chắc, dẫn đầu là sản xuất và xuất khẩu cũng như tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp.

Phóng viên TTXVN tại Phnom Penh dẫn báo cáo “Cập nhật kinh tế Campuchia của Ngân hàng Thế giới (WB): Phục hồi kinh tế hậu COVID-19” cho biết nền kinh tế Campuchia đang trên lộ trình phục hồi vững chắc, dẫn đầu là sản xuất và xuất khẩu cũng như tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp, nhờ vậy, tăng trưởng kinh tế của Campuchia được dự báo sẽ tăng 5,5% trong năm 2023.

 

Báo cáo của WB cho rằng tiến trình phục hồi kinh tế của Campuchia dần trở nên vững chắc vào năm 2022, khi tốc độ tăng trưởng thực tăng lên 5,2%. Sự phục hồi mạnh mẽ trong các ngành dịch vụ, đặc biệt là thương mại, du lịch và khách sạn đã giúp đưa Campuchia trở lại mức tăng trưởng trước thời kỳ đại dịch COVID-19, với lượng du khách nước ngoài tăng nhanh khi quốc gia này đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 (ASEAN Para Games 12).

Theo báo cáo, Campuchia có thể phục hồi nhanh như vậy cũng nhờ những biện pháp như giảm giá trong nước khi giá dầu và lương thực toàn cầu ổn định.

Báo cáo của WB nhấn mạnh việc ngành nông nghiệp của Campuchia đang mở rộng do khả năng tiếp cận thị trường khu vực được cải thiện sau các hiệp định thương mại mới được thông qua, tăng trưởng kinh tế của nước này được dự báo sẽ tăng lên 5,5% trong năm 2023.

Tuy nhiên, nhu cầu nước ngoài suy giảm kéo dài có thể làm suy yếu hoạt động sản xuất định hướng xuất khẩu, trong khi tình hình tài chính toàn cầu tiếp tục được thắt chặt có thể gây rủi ro trong lĩnh vực tài chính của Campuchia.

Bà Maryam Salim, Giám đốc WB quốc gia tại Campuchia, cho biết để đảm bảo quá trình phục hồi kinh tế, Campuchia cần đa dạng hóa các sản phẩm và điểm đến du lịch, đồng thời cải thiện khả năng cạnh tranh thương mại bằng cách tăng cường kết nối, nới lỏng các rào cản thương mại và đơn giản hóa các thủ tục hải quan.

Về trung hạn, tăng trưởng của Campuchia dự kiến sẽ tăng lên 6% nhờ xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ mạnh mẽ cũng như đầu tư tăng đáng kể, đặc biệt là theo quan hệ đối tác công tư cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn như cảng biển và đường bộ.

Campuchia cũng có thể thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng kết nối và phát triển nhân sự, đảm bảo ổn định tài chính và thúc đẩy đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nước này.

Trọng tâm đặc biệt trong báo cáo của WB tập trung vào cách Campuchia có thể gia tăng chi tiêu cho các lĩnh vực xã hội trong những năm gần đây, đặc biệt là cho y tế và giáo dục, đồng thời nhấn mạnh rằng chất lượng của chi tiêu có thể được cải thiện.

Việc tập trung nhiều hơn vào hiệu quả phân bổ và vận hành có thể giúp Campuchia giải quyết tình trạng phân bổ giáo viên không đồng đều giữa các cấp, cũng như tình trạng công chúng thiếu niềm tin với các cơ sở y tế nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục