WB và Nhật Bản tài trợ 2,75 triệu USD cho Việt Nam tăng cường khả năng chống dịch COVID-19

16:30' - 25/08/2021
BNEWS Dự án kéo dài 3 năm, từ nay đến tháng 12/2024 và qua đó, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự thay đổi hành vi bền vững trong việc chuẩn bị và ứng phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

 

Theo tin từ Ngân hàng Thế giới (WB), cơ quan này và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội vừa ký thỏa thuận tài trợ 2,75 USD do Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản cung cấp cho dự án “ Tăng cường khả năng sẵn sàng và ứng phó với COVID-19 ở cấp cơ sở tại Việt Nam ”.

Dự án nhằm tăng cường năng lực ứng phó với đại dịch và sẵn sàng cho các trường hợp khẩn cấp về y tế ở cộng đồng tại ba tỉnh được đề xuất là Vĩnh Phúc, Khánh Hòa và Long An. Ước tính có 270.000 người sẽ được hưởng lợi từ can thiệp của dự án và ít nhất 3.500 người thuộc các nhóm dễ bị tổn thương.

Ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc quốc gia, WB tại Việt Nam cho hay, hệ thống y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng để bảo vệ tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Dịch COVID-19 đang diễn ra ngày càng căng thẳng và qua việc triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch tại các địa phương đã bộc lộ hạn chế và yêu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực ở cơ sở các cấp nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.

Dự án sẽ tăng cường năng lực cho các trạm y tế xã thông qua việc cung cấp trang thiết bị và đào tạo các kỹ năng y tế cho các cán bộ, y bác sĩ địa phương. Đồng thời, hỗ trợ các nhân viên y tế những kiến thức, hiểu biết để phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ và điều tra dịch tễ học tốt hơn, giảm thiểu tình trạng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Nhờ đó, giúp đảm bảo tính liên tục trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe thiết yếu trong thời kỳ đại dịch.

Dự án kéo dài 3 năm, từ nay đến tháng 12/2024 và qua đó, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự thay đổi hành vi bền vững trong việc chuẩn bị và ứng phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Các nhân viên y tế cũng như các thành viên cộng đồng sẽ được cung cấp những thông tin khoa học và kinh nghiệm kiểm soát tình trạng lây nhiễm COVID-19 cùng các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ, các biện pháp phòng ngừa. Trong số đó, quan trọng nhất vẫn là đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay phù hợp và vệ sinh môi trường.

Dự án cũng sẽ có những can thiệp thí điểm để giải quyết nhu cầu của những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch, bao gồm: người cao tuổi ở thành thị, người dân tộc thiểu số, lao động phi chính thức, người nhiễm HIV/AIDS...

Cùng đó, thúc đẩy mạnh mẽ hơn mạng lưới tình nguyện viên để tiếp cận khoảng 3.500 người thuộc các nhóm này; đồng thời, cung cấp cho họ những thông tin quan trọng về các biện pháp phát hiện và phòng ngừa COVID-19, hỗ trợ tâm lý và hiện vật như thực phẩm, thuốc men và thiết bị bảo hộ...

Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội là một tổ chức phi Chính phủ của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, vận động, đào tạo và can thiệp trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, giới và phát triển cộng đồng. 

Các Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản là sự hợp tác giữa Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới, cung cấp các khoản tài trợ trong việc hỗ trợ các dự án xóa đói giảm nghèo phát triển dựa vào cộng đồng..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục