WBG: 25 nước nghèo nhất thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi dịch COVID-19

15:04' - 24/03/2020
BNEWS Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) David Malpass cảnh báo những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ là các nước nghèo nhất trên thế giới.

Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) David Malpass cảnh báo những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ là các nước nghèo nhất trên thế giới.

Theo ông Malpass, "đây là thời điểm khó khăn đối với tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất".

Ông nêu rõ các nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong dịch COVID-19 là khoảng 25 quốc gia nghèo nhất thế giới theo xếp hạng của Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc WBG (IDA).

Nhận định của Chủ tịch Malpass được đưa ra trong hội nghị trực tuyến các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về đại dịch COVID-19.

Chủ tịch WBG đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ các quốc gia này. Ông nhấn mạnh: "Nhiều nước đã ở trong tình trạng nợ nần và khó khăn chồng chất, không còn đủ sức để đối phó một cách phù hợp cả trên phương diện kinh tế lẫn y tế".

Theo ông Malpass, WBG đã sẵn sàng cung cấp cho IDA khoản tiền lên tới 35 tỷ USD cũng như nhiều sự hỗ trợ khác.

Song song với việc các nước G20 cùng hành động, Chủ tịch WBG cũng kêu gọi tất cả "chủ nợ" của các nước nghèo trên thế giới cần hành động hiệu quả ngay lập tức, để giúp các nước này giảm nhẹ gánh nặng về kinh tế, vượt qua nợ nần, qua đó có thể tập trung nguồn lực chống lại đại dịch.

Chủ tịch Malpass nhấn mạnh: "Tôi đang kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 cho phép các nước nghèo nhất thế giới đình chỉ tất cả các khoản thanh toán tín dụng song phương chính thức, cho đến khi WB và IMF đánh giá đầy đủ về nhu cầu tái thiết và tài chính của họ".

Chủ tịch WBG cũng lưu ý rằng các nước cho vay đa phương đã xác định một loạt các phương thức mua sắm nhanh chóng dẫn đến mua hàng số lượng lớn và những nước này đang làm việc với các ngân hàng phát triển đa phương khác, cũng như IMF để đánh giá nhu cầu, thực hiện hệ thống mới và phát triển đồng tài trợ.

Chủ tịch WBG cho biết các nước cần đẩy mạnh chi tiêu y tế, tăng cường mạng lưới an toàn xã hội, hỗ trợ khu vực tư nhân và đối phó với sự gián đoạn trên thị trường tài chính.

Ông cũng kêu gọi các nước thực hiện cải cách cơ cấu kinh tế để giúp rút ngắn thời gian phục hồi và tạo niềm tin về một sự tái thiết mạnh mẽ.

Tuần trước, WBG cũng đã công bố gói hỗ trợ tài chính bổ sung trị giá 14 tỷ USD để giúp các nước đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trước đó, ngày 3/3, WBG đã thông báo gói hỗ trợ đầu tiên trị giá 12 tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục