WEF: Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu

21:59' - 11/01/2024
BNEWS Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende ngày 11/1 nhận định rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong cuộc phỏng vấn ở Geneva, ông Brende đánh giá Trung Quốc có đủ công cụ chính sách để phục hồi nền kinh tế.

 

Theo ông, Trung Quốc đang chuyển hướng từ tăng trưởng dựa trên đầu tư, cơ sở hạ tầng và bất động sản sang tăng trưởng dựa trên các lĩnh vực mới như xe điện. Đất nước này đang trải qua thời kỳ xuất khẩu thay đổi theo hướng nhiều dịch vụ và thương mại kỹ thuật số hơn. Ông lưu ý rằng Trung Quốc cũng là nước sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo lớn nhất.

Về chủ đề “Xây dựng lại niềm tin” của hội nghị thường niên năm nay của WEF sắp tổ chức tại Davos, ông Brende thừa nhận giữa các nước đang thiếu niềm tin. Ông nói: “Nếu chúng ta không xây dựng lại niềm tin, chúng ta sẽ không thể hợp tác giải quyết tất cả những thách thức xuyên biên giới mà chúng ta đang phải đối mặt, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, các đại dịch trong tương lai, tội phạm mạng và các cuộc tấn công mạng”.

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có thể góp phần xây dựng lại niềm tin nhờ sức mạnh kinh tế và thương mại đáng kể, cũng như đóng góp vào nỗ lực xây dựng một thế giới hòa bình hơn.

Chủ tịch WEF nhận định thêm: “Những bước đi mà Trung Quốc thực hiện là vô cùng quan trọng đối với thế giới. Vai trò của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về khí hậu và thương mại toàn cầu là rất quan trọng. Trung Quốc đã thiết lập các mối liên kết chặt chẽ với Nam Bán cầu và thể hiện nỗ lực đóng góp ngày càng tăng trong việc duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu”.

Về các xu hướng tài chính toàn cầu trong năm 2024, ông Brend đánh giá: “Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng rằng mọi thứ sẽ tốt hơn. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ năm 2000 đến năm 2020 là 3,8% và tôi kỳ vọng mức tăng trưởng 2,9% cho năm 2024, với dự báo lạc quan hơn cho năm 2025 và 2026. Hiện nền kinh tế toàn cầu đang ở trạng thái tốt hơn so với một năm trước. Tôi thấy lạm phát toàn cầu đang giảm, điều này có thể dẫn đến việc giảm lãi suất trong tương lai và tăng đầu tư. Thương mại là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khối lượng thương mại toàn cầu chỉ tăng 0,8% trong năm qua, điều này đã kéo tăng trưởng kinh tế đi xuống. Vì vậy, cần bảo vệ hệ thống thương mại đa phương và giảm bớt các rào cản thương mại. Hy vọng của chúng tôi là ngay cả trong một thế giới nơi các quốc gia đang cạnh tranh, họ cũng cần hợp tác trong những chủ đề quan trọng nhất”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục