WikiLeaks: NSA có dính líu tới vụ tấn công mạng ngày 27/6

18:30' - 28/06/2017
BNEWS Trang WikiLeaks ngày 28/6 tiết lộ các công cụ tấn công mạng được cho là của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã được sử dụng trong cuộc tấn công mạng quy mô lớn xảy ra ngày 27/6.
WikiLeaks: NSA có dính líu tới vụ tấn công mạng ngày 27/6. Ảnh: reuters

Theo kênh truyền hình CNN: "Các nhà nghiên cứu cho rằng vụ tấn công hôm 27/6 sử dụng một lỗ hổng của hệ điều hành Windows với tên gọi EternalBlue để tấn công mạng lưới các công ty. Mã độc WannaCry trước đây cũng đã tận dụng khai thác lỗ hổng EternalBlue và được biết tới như một trong các công cụ tấn công mạng của NSA".

Trước đó, trang WikiLeaks đã cung cấp dữ liệu về EternalBlue và các chương trình tấn công mạng khác, cho rằng các chương trình này do NSA phát triển và được các cơ quan đặc biệt của Mỹ sử dụng.

Liên quan đến vụ tấn công mạng đòi tiền chuộc vừa xảy ra, ngày 28/6, nhật báo Los Angeles đưa tin mã độc "tống tiền" Petya, có tác hại tương tự mã độc WannaCry đã tấn công vào hệ thống máy tính tại nhà ga lớn nhất của Cảng Los Angeles (Mỹ), khiến mọi hoạt động tê liệt.

Các nhà ga của Cảng Los Angeles do Tập đoàn vận tải biển A.P Moller-Maersk của Đan Mạch điều hành, chiếm khoảng 16% hạm đội tàu thế giới đã phải đóng cửa trong nhiều giờ do hệ thống công nghệ thông tin (IT) của công ty bị nhiễu loạn.

Theo người phát ngôn của A.P Moller-Maersk, do bị tấn công, hệ thống IT của Maersk ở nhiều chi nhánh bị sập.

Cùng ngày, hoạt động của Cảng container lớn nhất của Ấn Độ - Jawaharlal Nehru cũng bị gián đoạn do hệ thống máy tính bị mã độc Petya tấn công.

Theo Bộ đóng tàu Ấn Độ, nhà ga thuộc Cảng Jawaharlal Nehru ở Mumbai, cũng do Tập đoàn đóng tàu A.P Moller-Maersk điều hành đã phải ngừng hoạt động.

Trước đó, ngày 27/6, hệ thống máy tính của nhiều công ty đa quốc gia và các tập đoàn lớn trên thế giới đã bị ảnh hưởng do bị mã độc Petya tấn công.

Mã độc "tống tiền" Petya tái xuất dưới phiên bản mới là "Petrwrap" đã nhắm đến những "điểm yếu" của phần mềm Windows và những thiệt hại ban đầu được ghi nhận tại các nước Ukraine, Nga, Anh và Ấn Độ.

Hồi tháng 5/2017, vụ tấn công mạng trên phạm vi toàn cầu cũng đã xảy ra khi mã độc "tống tiền" WannaCry gây ảnh hưởng đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mã độc WannaCry đã làm tê tiệt hệ thống máy tính của rất nhiều ngân hàng, bệnh viện, trường học... theo đó, người sử dụng mạng sẽ không thể truy cập dữ liệu trừ phi đồng ý trả cho tin tặc một khoản tiền ảo Bitcoin, trị giá từ 300-600 USD.

Theo hãng bảo mật Avast, đây là một trong những cuộc tấn công lớn nhất thế giới từng được thực hiện với mã độc tấn công gây ảnh hưởng tới nhiều tổ chức, cá nhân trên phạm vi toàn cầu.

Ước tính, có khoảng 200.000 hệ thống mạng tại ít nhất 150 nước đã trở thành nạn nhân của vụ tấn công này.

Trong đó, Nga và Ấn Độ là 2 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do hệ điều hành Windows XP của hãng Microsoft, một trong những hệ điều hành được cho là có nguy cơ cao bị tấn công, vẫn được sử dụng rộng rãi tại đây.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục