WORLD CUP 2018: VAR có phải là yếu tố tạo ra cơn mưa phạt đền?

07:42' - 21/06/2018
BNEWS Công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video (VAR) lần đầu tiên được đưa vào sử dụng tại một kỳ World Cup vẫn tiếp tục là đề tài gây tranh cãi trong giới chuyên môn và người hâm mộ.
Trợ lý trọng tài vận hành công nghệ VAR. Ảnh: EPA

Có những quả phạt đền đã được các trọng tài quyết định sau khi tham khảo VAR, song cũng có những tình huống nhạy cảm khác họ lại không sử dụng để xác định lỗi bất chấp những phản ứng quyết liệt của những đội bị “thiệt hại”.

Brazil có quyền tức giận khi họ bị Thụy Sỹ gỡ hòa 1-1 bằng một quả phạt đền mà trọng tài đã nhờ tới sự trợ giúp của VAR nhưng lại không thổi phạt một lỗi rõ ràng của Stefan Zuber với Joao Miranda.

Trong khi đó, đội tuyển Anh cũng không hài lòng khi 2 pha phạm lỗi của các hậu vệ Tunisia với tiền đạo Harry Kane bị trọng tài bỏ qua.

Còn đội bóng châu Phi lại được hưởng một quả phạt đền sau một lỗi không rõ ràng của hậu vệ cánh Kyle Walker và trong tài cũng dứt khoát không tham khảo VAR trong tình huống này.

Huấn luyện viên trưởng đội Anh Gareth Southgate, mặc dù không than phiền về quả phạt đền của Tunisia nhưng cho rằng đây là một tình huống không cố ý.

Nhà cầm quân người Anh khẳng định, nếu mọi tình huống như vậy đều thổi phạt thì đây sẽ là giải đấu khá thú vị.

Có lẽ nhận định có phần “châm biếm” của ông Southgate đang dần trở thành hiện thực khi chỉ sau lượt đấu đầu tiên của vòng bảng đã có 9 quả phạt đền được thổi, một kỷ lục tại các kỳ World Cup sau 16 trận đầu tiên.

Cách đây 4 năm trên đất Brazil, quả phạt đền thứ 8 chỉ xuất hiện trong trận đấu thứ 25, trong khi tại Nam Phi năm 2010 phải tới trận đấu thứ 35 mới có pha phạt đền thứ 8.

Thậm chí ở World Cup 2006 còn lâu hơn khi phải trải qua 40 trận mới có 8 quả phạt đền được thổi.

Cũng có thể vào thời điểm cách đây 12 năm, các trọng tài cho rằng các tình huống phạm lỗi cần phải rõ ràng hơn để có thể thổi phạt đền.

Sau này các đội có vẻ như dễ kiếm phạt đền hơn khi mà nhiều trọng tài chỉ cần thấy một va chạm nhỏ của hậu vệ là có thể cắt còi.

Xu hướng này thực sự nở rộ tại World Cup trên đất Nga với khá nhiều tình huống tương tự như vậy.

Mặc dù vậy, việc công nghệ VAR chỉ có thể thay đổi quyết định đối với một tình huống “sai lầm rõ ràng” của trọng tài có nghĩa là tất cả các quả phạt đền đã được thổi không có cách gì có thể thay đổi được bởi cho dù các quyết định đó vẫn còn gây tranh cãi song lại không phải là một “sai lầm rõ ràng”.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc mặc dù VAR là một sự trợ giúp hữu ích nhưng nó sẽ không chấm dứt tranh cãi như nhiều người đã mong đợi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục