Xác định cơ hội và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ

14:32' - 25/09/2020
BNEWS Dù ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng 8 tháng qua thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ vẫn đạt 69,3 tỷ USD, tăng 11,8%; xuất khẩu của Việt Nam tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Sáng 25/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Thương mại và Công nghiệp với các đối tác châu Mỹ 2020 kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Diễn đàn nhằm cung cấp thông tin cập nhật về những thay đổi trong chính sách kinh tế - thương mại của các nước khu vực châu Mỹ, phân tích tình hình thị trường và nhu cầu đối với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, xác định cơ hội và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư từ khu vực châu Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định thương mại đang đi vào thực thi, xu hướng dịch chuyển chuỗi ứng toàn cầu và phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện cơ quan ngoại giao các nước khu vực châu Mỹ tại Việt Nam là Đại sứ Brazil, Chile, Colombia, Cuba, Mexico, Venezuela, và Peru; Đại biện sứ quán Argentina, Uruguay và Panama; Đại diện Đại sứ quan Hoa Kỳ và Canada cùng đại diện nhiều doanh nghiệp và Tập đoàn lớn của các nước châu Mỹ hiện đang kinh doanh tại Việt Nam.

Đặc biệt, để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại - công nghiệp giữa Việt Nam và các nước khu vực trong bối cảnh dịch bệnh COVID– 19 và phục hồi kinh tế, Diễn đàn có sự kết nối và tham gia phát biểu trực tuyến của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Uruguay Francisco Bustillo (Uruguay là Chủ tịch luân phiên của Khối Thị trường chung Nam Mỹ MERCOSUR) và 8 Tham tán thương mại của Việt Nam tại các quốc gia châu Mỹ như Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Brazil, Chile, Cuba, Argentina.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với châu Mỹ đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây.

Đặc biệt, châu Mỹ liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng kim ngạch thương mại cao nhất trong các đối tác của Việt Nam. Giá trị thương mại hai chiều trong vòng 10 năm qua đã tăng 3,5 lần, từ 28 tỷ USD vào năm 2011 lên 96,8 tỷ USD tỷ USD vào năm 2019; trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ đạt 73,6 tỷ USD và nhập khẩu từ châu Mỹ đạt hơn 23,2 tỷ USD.

Mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của COVID-19, nhưng trong 8 tháng năm 2020 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ vẫn đạt 69,3  tỷ USD, tăng 11,8%; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Về đầu tư trực tiếp, tính đến hết tháng 8 năm 2020, có 28 quốc gia châu Mỹ đầu tư tại Việt Nam với 1.530 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22,85 tỷ USD.

Thời gian qua, một số Hiệp định thương mại quan trọng đã và đang được thiết lập để tạo nên nền tảng tích cực cho phát triển hợp tác kinh tế - thương mại mới như: Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ ký năm 2000; Hiệp định thương mại tự do với Chile ký năm 2011; Hiệp định thương mại với Cuba ký năm 2018; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ký năm 2018 và đi vào hiệu lực năm 2019; trong đó, có Canada, Peru, Mexico của khu vực Châu Mỹ là những quốc gia lần đầu tiên có quan hệ tự do thương mại (FTA) với Việt Nam. Hiện nay, Hiệp định thương mại tự do với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cũng đang được trao đổi về khả năng đàm phán.

Đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đã có những tác động xấu tới nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam và các nước châu Mỹ. Đơn hàng giảm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thất nghiệp gia tăng là những khó khăn lớn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải.

Tuy nhiên, khó khăn tới cũng là lúc cơ hội phát triển mới cho những doanh nghiệp biết thích ứng, nắm thông tin và có chiến lược phát triển phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư châu Mỹ trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Cùng với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, ổn định và phục hồi kinh tế của Chính phủ Việt Nam và các nước khu vực hâu Mỹ, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Hợp tác thương mại và công nghiệp với các Đối tác châu Mỹ với mong muốn vượt qua khoảng cách địa lý, khoảng cách do dịch bệnh, để kết nối các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp hai bên, khắc phục khó khăn, tìm kiếm cơ hội để phát triển kinh doanh trong thời gian tới.

Theo ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dịch COVID-19 không phải câu chuyện ngắn hạn mà là dài hạn đã đẩy một số xu hướng vốn đã có trở nên nhanh hơn.

Cụ thể như: xu hướng về suy giảm kinh tế, thương mại, xu hướng này tiếp tục ảnh hưởng dài hạn tới các nền kinh tế. Riêng với xu hướng chủ nghĩa bảo hộ, dịch COVID-19 là một tác nhân quan trọng đẩy xu hướng này gia tăng thêm.

Ngoài ra, còn có dịch chuyển chuỗi, tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu đặc biệt là các chuỗi ở Trung Quốc, các chuỗi dần ngắn lại mang tính khu vực nhiều hơn và nhân rộng nhanh dựa trên sản phẩm công nghệ.

Thống kê từ Tổng cục hải quan theo nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam cho thấy, hầu hết các thị trường có suy giảm về xuất khẩu. Dù vậy, xuất khẩu sang Châu Mỹ từ tháng 4 đến tháng 7 tăng khá nhanh. Đây là điểm khá tích cực, một trong những nguyên nhân chính được đánh giá là do tác động từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Chia sẻ thêm về vấn đền này, bà Đỗ Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada nhấn mạnh, hiện nay doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Canada so với trước. Do Chính phủ Canada những năm gần đây theo đuổi chính sách đa dạng hóa thương mại, ưu tiên phát triển quan hệ thương mại tới Châu Á. Hơn nữa, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược thị trường của một số doanh nghiệp Canada.

Theo bà Đỗ Thu Hương, dịch COVID-19 cũng lộ mặt trái cũng chuỗi cung ứng khiến doanh nghiệp phải xem xét lại chỗ mua hàng và sản xuất, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường với mức giá rẻ. Bởi vậy, châu Á vẫn được doanh nghiệp Canada  quan tâm trong thiết lập chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, giữa Việt Nam và Canada là nền kinh tế mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp, đặc biệt với nông sản, thực phẩm. Hơn nữa, Việt Nam được đánh giá có chiến lược chống dịch bệnh tốt, có tình hình chính trị, an ninh ổn định, có dân số trẻ. Đây là những nhận định của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Canada mà thương vụ nhận được trong quá trình tiếp xúc.

Đáng lưu ý, gần đây số lượng doanh nghiệp Canada tìm nhà cung ứng, cơ sở đặt nhà máy tại Việt Nam khá nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam và Canada sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục