Xác lập 36 chỉ tiêu đô thị xanh tại Việt Nam

17:00' - 17/08/2017
BNEWS Thế giới dựa trên nền tảng phát triển bền vững để xác lập đô thị xanh. Hiện nhóm nghiên cứu đã phân tích các xu hướng để đưa ra khái niệm đô thị xanh tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá dự án Hỗ trợ kỹ thuật quy hoạch đô thị xanh tại Việt Nam được triển khai tích cực trong thời gian qua. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo giữa kỳ để các chuyên gia của dự án Hỗ trợ kỹ thuật quy hoạch đô thị xanh báo cáo kết quả nghiên cứu thời gian qua, xác định phương hướng triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, dự án Hỗ trợ kỹ thuật quy hoạch đô thị xanh tại Việt Nam do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ được thực hiện theo Quyết định số 984/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Quy hoạch đô thị xanh tại Việt Nam và Biên bản thảo luận đã được ký kết giữa Bộ Xây dựng và KOICA.

Qua hơn nửa năm triển khai tích cực của các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bên có liên quan như: Viên Nghiên cứu Định cư và Phát triển Hàn Quốc (KRISH), Ban Quản lý dự án của Bộ Xây dựng, Ban Quản lý dự án tỉnh Thái Nguyên và Kiên Giang, dự án đã hoàn thiện bước đầu các nghiên cứu của 4 nhiệm vụ.

Theo đó, bộ chỉ số đô thị xanh được xây dựng và thiết lập hệ thống GDSS, đồng thời lập phương án quy hoạch thí điểm tại khu đô thị Yên Bình (Thái Nguyên), thành phố Rạch Giá (Kiên Giang).

Sản phẩm này không chỉ áp dụng ở riêng địa bàn thí điểm mà với tất cả các khu vực khác. Chỉ tiêu và chỉ số đô thị xanh đã được chuẩn hoá sẽ phục vụ công tác đánh giá đô thị trên toàn quốc.

Đây cũng là một trong những cơ sở để đề xuất phương án khả thi cho khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn quy hoạch đô thị xanh tiêu chuẩn, áp dụng tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia đóng góp ý kiến hoàn thiện kết quả nghiên cứu, đảm bảo có tính thực tiễn cao, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam nhằm áp dụng rộng rãi trong tương lai; hướng tới bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị.

Nhóm nghiên cứu phân tích các xu hướng để đưa ra khái niệm đô thị xanh tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Giáo sư Đỗ Hậu, Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, đây là những nội dung lần đầu tiên được nghiên cứu triển khai ở Việt Nam. Do đó, có một số chỉ số cũng như khái niệm lần đầu được đề cập và phân tích sâu.

Khái niệm Eco-City xuất hiện do các vấn đề về môi trường như dân số tăng và nguồn tài nguyên cạn kiệt bởi công nghiệp hoá, giúp giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu, chung sống cùng thiên nhiên trong lòng đô thị.

Đô thị xanh Green-City bao gồm khái niệm Eco-City và loại hình quy hoạch đô thị có vai trò ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm ngăn chặn các vấn đề môi trường cũng như tình trạng nóng lên toàn cầu, căn cứ theo Nghị định thư Kyoto năm 1997 và Công ước khung về biến đổi khí hậu Paris năm 2015.

Chuyên gia đến từ Trường Đại học Anyang (Hàn Quốc) cho biết, hiện thế giới dựa trên nền tảng phát triển bền vững để xác lập đô thị xanh. Hiện nhóm nghiên cứu đã phân tích các xu hướng để đưa ra khái niệm đô thị xanh tại Việt Nam.

Đến nay đã có 36 chỉ tiêu đô thị xanh đã được xác lập để thực hiện 3 mục tiêu chính là: giảm thiểu lượng phát thải nhà kính; đảm bảo khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu; sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên.

Nhóm thực hiện đặc biệt chú trọng đến tính khả thi trong áp dụng và sự phù hợp với chính sách. Do đó, bộ chỉ tiêu vẫn tiếp tục được hoàn thiện tối ưu nhất trong thời gian tới.

Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) hiện đang triển khai áp dụng công nghệ xanh vào quá trình đô thị hoá tại Châu Á - khu vực đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và ứng dụng để phát triển đô thị một cách bền vững; đồng thời cũng đang triển khai hỗ trợ tài chính cho các hoạt động này.

Theo đó, đô thị xanh hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm sự phụ thuộc vào thiên nhiên hoá thạch, tích cực giảm thiểu và quản lý chất thải nhằm cải thiện chất lượng đời sống của người dân.

Còn Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD), thực hiện phân bổ đô thị nhằm tăng chất lượng môi trường và hoạt động kinh tế của đô thị lớn và tăng trưởng quốc gia. Triển khai chương trình đô thị xanh với các chính sách tăng trưởng xanh, bền vững để cải thiện chất lượng đời sống cũng như khả năng cạnh tranh đô thị.

"Tăng trưởng xanh" và "xanh hoá" không phải là các khái niệm mâu thuẫn mà được sử dụng với ý nghĩa nhằm tăng cường mối quan hệ giữa tính bền vững và tăng trưởng kinh tế - các chuyên gia dẫn chứng.

Tăng trưởng xanh là mô hình mới hướng tới việc giảm lượng khí thải nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm, giảm chất thải, sử dụng tài nguyên hiệu quả... và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần có sự hợp tác của cộng đồng và người dân trong sử dụng tài nguyên bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục