Phụ nữ tham gia thúc đẩy phát triển đô thị xanh

14:00' - 04/04/2017
BNEWS Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng và năng lượng nhằm góp phần phát triển đô thị xanh, năng lượng sạch và tăng trưởng xanh.

Ngày 4/4, tại Hà Nội, Chương trình Định cư Con người Liên Hợp quốc (UNHABITAT) cùng với Cơ quan Quốc tế phát triển Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Xây dựng đã tổ chức buổi tọa đàm “Tấm gương Phụ nữ trong thúc đẩy phát triển đô thị xanh, năng lượng sạch và tăng trưởng xanh tại Việt Nam”.

Phát triển đô thị xanh gắn với nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: ashui.com

Buổi tọa đàm được tổ chức để chia sẻ và trao đổi những vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng và năng lượng, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị xanh, năng lượng sạch và tăng trưởng xanh vì một Việt Nam bền vững, toàn diện và công bằng.

Theo bà Lý Phương Trang, Tổng Giám đốc DAIKIN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội lạnh và điều hòa không khí tại Việt Nam, phát triển đô thị xanh, năng lượng sạch và tăng trưởng xanh sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của Việt Nam. Trên thế giới đã đi trước Việt Nam rất nhiều.

Về phương diện nhận thức ở Việt Nam cũng có thay đổi nhiều và có rất nhiều các hoạt động về thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh, cũng như đô thị xanh tại Việt Nam.

Trong đó, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này vì là người quyết định nhiều đến việc lựa chọn mua các sản phẩm, quyết định mua các loại hình nhà, sử dụng thiết bị điện tiết kiệm trong gia đình.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc tại Việt Nam: Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỉ lệ phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và dẫn đầu khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về tỷ lệ nữ giới trong Quốc hội.

Việt Nam được xem là một trong những nước đạt được nhiều tiến bộ trong bình đẳng giới. Trên thực tế với thiên chức của người làm vợ, làm mẹ, phụ nữ luôn hướng tới sự phát triển bền vững, cân bằng hơn nên sự tham gia của nữ giới vào các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội, y tế… sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, cũng như đô thị xanh cho thế hệ tương lai.

Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Quang, đô thị hóa đang diễn ra nhanh chưa từng thấy. Nếu như đầu những năm 60, có chưa đến 1 tỷ người sống ở khu vực đô thị thì hiện nay thế giới có tới 54% dân số toàn thế giới sống ở khu vực này. Tại Việt Nam có tỷ lệ đô thị hóa đang ở khoảng 34 đến 35%, tức là 1/3 dân số Việt Nam sống ở khu vực đô thị, và có khoảng 1 triệu người mỗi năm tăng thêm trong các khu vực này.

Quá trình đô thị hóa đã làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, sự xuống cấp của môi trường, tình trạng ô nhiễm không khí và nạn kẹt xe, sự phát triển lộn xộn do sử dụng đất và quy hoạch không hiệu quả, tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng và tiện ích công cộng. Đặc biệt tình trạng biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm những thách thức của đô thị hóa.

Những thách thức đó đòi hỏi một cách tiếp cận mới cho quá trình phát triển của các thành phố. Đó là sự tiếp cận dựa vào mô hình phát triển bền vững; mô hình tăng trưởng xanh và thông minh cho các thành phố, trong đó thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ tiên tiến để quản lý và phát triển đô thị.

Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: các công trình, dự án thực hiện theo tiêu chuẩn công trình xanh sẽ làm gia tăng chi phí từ 2 đến 5%.

Tuy nhiên nếu xét theo cả vòng đời của dự án từ 50 đến 70 năm thì khả năng hoàn vốn rất nhanh. Cho nên việc đầu tư phát triển công trình xanh không hề tốn kém như suy nghĩ.

Việc này không những mang lại lợi ích giảm tiêu thụ năng lượng cho căn nhà mà còn làm giảm khí thải hiệu ứng nhà kính, gia tăng tính tiện nghi, thân thiện với môi trường, giúp nâng cao giá trị, chất lượng cuộc sống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục