Xác lập vùng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

11:18' - 17/12/2024
BNEWS Tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó, nổi bật là Đề án hỗ trợ xác lập và phát triển vùng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Hưng Yên đang đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại. Điều này nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người sử dụng, hướng đến phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.

Tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ; trong đó, nổi bật là Đề án hỗ trợ xác lập và phát triển vùng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ. Ảnh minh họa: TTXVN

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng cho biết: Sở đã phối hợp tổ chức 8 lớp tập huấn nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững cho gần 500 lượt doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, người dân sản xuất nông nghiệp trong tỉnh. Cùng đó, Sở cũng đã phối hợp với các địa phương xây dựng một số mô hình sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ với diện tích 12 ha; trong đó diện tích lúa là 10ha tại xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm và 2ha sản xuất rau quả tại xã Tống Phan, huyện Phù Cừ và xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên. Các hộ tham gia mô hình đã được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất hữu cơ đáp ứng theo yêu cầu tại tiêu chuẩn số TCVN 11041-2:2017.

Ngoài ra, Sở cũng đã triển khai 2 mô hình ứng dụng công nghệ nano để phòng trừ bệnh hại trên cây nhãn và cây có múi trên diện tích 7ha và 2 mô hình sản xuất rau an toàn (cà chua, khoai tây) theo hướng hữu cơ với quy mô là 6ha; đồng thời hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp để mua trên 140 tấn phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất một số cây ăn quả chủ lực của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Tráng đánh giá: Các mô hình sản xuất hữu cơ bước đầu đã làm thay đổi tư duy của người sản xuất theo hướng tạo ra các sản phẩm nông sản có chất lượng, giá trị kinh tế cao, an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng, từng bước xây dựng nền sản xuất sạch, bền vững bằng việc không sử dụng các nguyên liệu đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) có nguồn gốc hóa học mà thay thế bằng sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, vi sinh.

Sản phẩm của các mô hình đã đáp ứng các chỉ tiêu an toàn thực phẩm nên có giá bán cao hơn so với sản phẩm sản xuất theo quy trình truyền thống từ 1,5-2 lần. Đáng chú ý, một số sản phẩm như dưa chuột, rau ăn lá có giá bán cao hơn 3 - 4 lần, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sự tin tưởng, khích lệ nông dân mở rộng diện tích.

Tuy nhiên, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của tỉnh chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng nông nghiệp của toàn tỉnh. Do đó, việc sớm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ có ý nghĩa quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đáp ứng xu hướng chung của tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu nông sản, tạo động lực trong tổ chức lại và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Vườn nhãn hơn 200 gốc của ông Bùi Xuân Sử ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) là một trong những mô hình đầu tiên ở thủ phủ nhãn lồng được chăm sóc theo quy trình hữu cơ. Từ năm 2021 đến nay, ông Sử đã mạnh dạn chuyển đổi dần từ canh tác VietGAP sang hướng hữu cơ với mong muốn để cây trồng thích nghi dần với môi trường, giảm thiểu phân hóa học và tăng dần phân hữu cơ.

Theo ông Sử, việc chăm cây nhãn theo phương pháp hữu cơ tốn nhiều công sức và thời gian hơn so với nhãn trồng đại trà. Phân bón cho cây chủ yếu từ các sản phẩm ngâm ngô, đỗ, cá… được ủ sinh phẩm, khử mùi hôi tanh rồi hòa nước và tiến hành tưới gốc cây.

"Nhãn trồng theo hướng hữu cơ nói không với thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng chế phẩm nano bạc, được pha cùng hỗn hợp xay gừng, tỏi, ớt phun trên lá, trên thân cây nhãn. Nhãn sạch là yếu tố quan trọng giúp vườn của gia đình tôi luôn thu hút được nhiều người đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức nhãn ngay tại vườn. Vì thế, nhãn thu hoạch đến đâu được tiêu thụ hết đến đó," ông Sử nói.

Tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất trồng trọt hữu cơ sẽ đạt khoảng 1% tổng diện tích (khoảng 750 ha), tập trung vào các cây trồng chủ lực như lúa, cây ăn quả và rau; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ cũng sẽ đạt 1% đối với thịt gia súc, gia cầm và thủy cầm. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ cũng được kỳ vọng đạt 0,5%; giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ so với sản xuất thông thường phải đạt ít nhất 15%.

Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu diện tích đất trồng trọt hữu cơ sẽ đạt 1,5%, sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt 1,5-2%, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 1,5% và giá trị gia tăng của sản phẩm hữu cơ so với sản xuất thông thường ít nhất là 20%.

Để đạt mục tiêu đề ra, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, tỉnh Hưng Yên yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương rà soát, lựa chọn cơ sở sản xuất tham gia mô hình là các đơn vị, tổ chức, cá nhân có năng lực đầu tư, điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất, có khả năng tổ chức và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Cùng đó, ngành nông nghiệp xây dựng mô hình chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cụ thể đối với từng sản phẩm để tập huấn và hướng dẫn quy trình sản xuất; phối hợp với doanh nghiệp xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ theo liên kết chuỗi giá trị và nhân rộng theo các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục