Xăng tăng giá tác động như nào tới cước vận tải, hàng tiêu dùng?

11:53' - 04/05/2019
BNEWS Giá xăng tăng mạnh liên tiếp cộng với hoá đơn tiền điện tăng cao vừa qua đã gây áp lực lớn lên giá cước vận tải, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng.
Giá xăng tăng 3 lần liên tiếp, với tổng mức tăng khoảng 3.500 đồng/lít. Ảnh minh họa: TTXVN

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá xăng đã tăng mạnh 3 lần liên tiếp với tổng mức tăng khoảng 3.500 đồng/lít, tương ứng khoảng 19%. Hiện xăng E5RON92 ở mức 20.688 đồng/lít; xăng RON95-III 22.191 đồng/lít và dầu diesel 0.05S ở mức 17.695 đồng/lít.

Giá xăng tăng mạnh liên tiếp cộng với hoá đơn tiền điện tăng cao vừa qua đã gây áp lực lớn lên giá cước vận tải, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng.

Chị Lê Thị Lý, bán hàng ăn sáng tại phố Bạch Mai – Hà Nội cho biết, từ nhiều ngày nay, giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh. Giá hành đã tăng từ 16.000 đồng/kg đã tăng lên 25.000 đồng/kg (giá lấy nhà hàng), ốc to 105.000 – 120.000 đồng/kg (tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg), cà chua 15.000 đồng/kg, tăng nhẹ so với hồi tháng 4.

Giá các mặt hàng đều tăng giá, nhưng giá bán hàng thì không thể tăng vì lý do giữ khách, nên hiện nhiều cửa hàng lợi nhuận sụt giảm.

Ghi nhận tại các chợ dân sinh Hà Nội như chợ Mơ, chợ 8-3, chợ Hôm… cho thấy, giá nhiều mặt hàng thịt, rau củ quả và thuỷ hải sản đã tăng ngay sau khi giá xăng tăng lần thứ hai. Đến lần tăng giá thứ ba, cùng với tác động của hoá đơn tiền điện tăng, thời tiết mưa nhiều, giá các mặt hàng lại càng được cớ tăng mạnh hơn nữa.

Chị Hồng Ngân, đầu mối rau củ tại chợ 8-3 cho biết, đa số các mặt hàng rau củ đều đã tăng giá so với hồi tháng 3 và cuối tháng 4 vừa rồi. Cá biệt có những mặt hàng tăng 8.000-10.000 đồng/kg. Cụ thể, giá xu hào 8.000 đồng/củ (tăng 3.000 đồng), củ cải trắng 18.000 đồng/kg, rau muống 17.000 – 18.000 đồng/mớ (tăng 3.000 đồng).

Tương tự với mặt hàng rau củ, chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ quầy thịt bò, gà tại chợ Mơ cho biết, giá thịt bò giao các nhà hàng không có sự biến động nhiều, nhưng giá bán lẻ có tăng nhẹ, ở mức 240.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; thịt gà lông có giá 120.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg...

Các tiểu thương tại chợ Mơ cho biết, giá xăng tiếp tục tăng lần ba với mức tăng khá mạnh, tổng cộng các lần tăng giá là 3.500 đồng/lít đã có tác động tới chi phí vận chuyển hàng tiêu dùng.

Nhiều đầu hàng từ các chợ đầu mối lớn đều đã tăng giá khi đưa hàng. Đặc biệt, tháng 4 là thời điểm nghỉ Lễ Giỗ Tổ và kỳ nghỉ 30/4 – 1/5, thời tiết mưa nhiều, khiến các mặt hàng tăng giá

Không chỉ giá tiêu dùng tăng, giá cước vận tải cũng chịu tác động lớn khi giá xăng dầu tăng cao. Với mức tăng giá xăng tổng cộng 19% như vừa qua, chắc chắn các đơn vị vận tải sẽ phải chịu chi phí đầu vào tăng cao hơn nữa.

Anh Nguyễn Anh Tú, lái xe taxi Grab và xe tuyến cho biết: “Giá xăng tăng như thế này thì cánh lái xe “khó sống” bởi mức tăng 19-20% có ảnh hưởng lớn tới thu nhập. Mỗi tháng, tôi chạy khoảng 4.000 km, sử dụng khoảng 300 lít xăng, tương đương gần 7 triệu đồng tiền xăng. Như vậy, với tổng mức tăng giá xăng vừa qua, mỗi tháng, cánh lái xe sẽ phải chịu thêm gần 1,4 triệu đồng tiền xăng. Trong khi đó, giá cước không thể tăng để bù vào”.

Theo ông Lương Quốc Vy, Giám đốc Taxi Thanh Nga, giá xăng tăng, giá điện tăng tác động đến cả nền kinh tế và đời sống xã hội. Giá xăng chiếm khoảng 35-40% trong cấu thành giá cước vận tải, nên việc giá xăng tăng tổng cộng 3.500 đồng/lít đang khiến doanh nghiệp rất khó khăn.

“Với mức giá xăng hiện nay, để chạy hoà vốn đã là may. Nếu cứ chạy với mức cước hiện tại của Thanh Nga là 10.500 đồng/lít, chắc chắn chúng tôi đang lỗ. Giá xăng nhiều lần biến động nhưng trong 4 năm qua, Taxi Thanh Nga chưa tăng giá lần nào. Thời gian tới, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước khoảng 10% thì mới có thể tồn tại được”, ông Vy nói.

Tương tự Thanh Nga, Hương Lúa cũng là một thương hiệu taxi có mặt từ lâu tại thị trường Hà Nội. Ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch Hương Lúa cho hay, hiện nay các hãng taxi; trong đó, có taxi Hương Lúa đều đã vào Liên minh taxi Việt, do vậy, mức cước hiện nay theo mức giá chung. Giá xăng tăng mạnh như vừa qua gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp, ngoài chuyện chi phí khấu hao cao, lương người lao động thì giá xăng cũng là áp lực lớn.

Đó là chưa kể những khó khăn trong cạnh tranh với các đơn vị “taxi công nghệ” như Grab. Đây có thể coi là giai đoạn rất khó khăn đối với ngành taxi trong nước.

“Doanh nghiệp sẽ có tính toán để có sự điều chỉnh giá cước, quản lý vận tải hợp lý”, ông Sáu nói.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, giá xăng tăng lần thứ ba liên tiếp đã đẩy chi phí về giá xăng dầu của doanh nghiệp tăng cao hơn. Việc tăng giá cước vận tải cũng được nhiều doanh nghiệp tính tới bởi tác động cộng hưởng của lần tăng giá này đang khiến doanh nghiệp ngành taxi giảm lợi nhuận tới hơn 40%.

Để tăng giá cước, các doanh nghiệp phải dừng hàng nghìn xe, hàng nghìn lao động phục vụ. Các chi phí để điều chỉnh cước như đồng hồ đo, bảng giá…cũng “ngốn” mất vài trăm nghìn đồng/xe.

Tuy nhiên, với mức tăng giá xăng cao như hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết, nếu tiếp tục “gồng mình” để cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ lỗ rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam (VATA) cho biết, giá xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng hàng đầu cấu thành nên giá thành của các doanh nghiệp vận tải. Xăng tăng giá, áp lực chi phí với các doanh nghiệp là không nhỏ.

Không chỉ tác động trực tiếp tới cước vận tải và giá tiêu dùng mà với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, giá xăng tăng cũng tạo nên một áp lực không nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, giá điện và xăng tăng liên tiếp chắc chắn khiến cho hoạt động tiêu dùng của người dân và sản xuất của doanh nghiệp gặp khó. Ngành thép là ngành tiêu tốn nhiều năng lượng để sản xuất.

"Vừa qua, giá điện tăng khiến cho giá thép của nhiều doanh nghiệp buộc phải tăng thêm hơn 100.000 đồng/tấn. Với mức tăng của giá xăng, gánh nặng về chi phí đầu vào sẽ tăng hơn nữa, bởi ít nhiều cũng sẽ tác động tới các chi phí vận chuyển hàng”, ông Sưa nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục