Xây dựng bãi xe ngầm trong công viên Thống Nhất (Hà Nội): Cần đảm bảo yếu tố xanh

14:21' - 08/04/2016
BNEWS Thành ủy Hà Nội vừa có văn bản đồng ý chủ trương xây dựng Trung tâm thương mại kết hợp bãi đỗ xe ở phần không gian ngầm tại số 295 Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, thuộc diện tích đất Công viên Thống Nhất.
Xây dựng bãi xe ngầm trong công viên Thống Nhất (Hà Nội) cần đảm bảo yếu tố xanh. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Thành ủy Hà Nội vừa có văn bản đồng ý chủ trương xây dựng Trung tâm thương mại kết hợp bãi đỗ xe ở phần không gian ngầm tại số 295 Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, thuộc diện tích đất Công viên Thống Nhất, nơi được xem là biểu trưng xanh, thể hiện khát vọng hòa bình của người dân Thủ đô.

Việc xây dựng bãi xe ngầm mang ý nghĩa xã hội rất cao, khi mà nhu cầu đỗ xe của người dân Thủ đô ở mức bức thiết. Song cũng cần tính toán kỹ đảm bảo yếu tố xanh, không gian công cộng không bị mất đi sau khi dự án được triển khai.

Diện tích xây dựng bãi đỗ xe ngầm là 10.331 m2, ở đó dự kiến làm 3 tầng hầm có thể chứa 390 xe ô tô. Diện tích này vốn trước đây, UBND thành phố Hà Nội đã cho một đơn vị xây dựng khách sạn có tên "Hanoi Royal Hotel".

Tuy nhiên, do sự phản đối của dư luận, nên dự án này đã bị dừng lại cách đây vài năm. Hiện nay, khu vực 295 Lê Duẩn được giao cho Sở Tài Nguyên Môi trường Hà Nội quản lý, xung quanh quây tôn cao, phía trong dùng cho việc sửa xe ô tô.

Ông Nguyễn Ngọc Lân, ở số 173 Phùng Hưng, cán bộ Bộ Giao thông Vận tải nghỉ hưu, thường xuyên đi bộ, tập thể dục tại Công viên Thống nhất nên khá quan tâm đến chủ trương của Thành ủy Hà Nội về việc đồng ý xây dựng trung tâm thương mại kết hợp bãi đỗ xe ngầm tại công viên.

"Tôi hoàn toàn đồng thuận với việc thành phố cho làm bãi đỗ xe ngầm dưới đất. Bởi thực tế việc này trên thế giới đã làm nhiều mà Hà Nội thì chật, chỗ đỗ xe, gửi xe không có nhiều.

Để đỗ, gửi xe ở các vỉa hè đường phố sẽ nhếch nhác. Hơn nữa, việc để xe ở lòng đường, vỉa hè, khiến cho người đi bộ rất khó đi lại.

Cho nên, xây dựng bãi xe ngầm tại góc Công viên Thống Nhất là cần thiết, tránh để lãng phí đất.

Nhưng quan trọng nhất sau này là quản lý trên phần đất bề mặt bãi gửi xe", bác Lân cho hay. Đồng thời đề nghị thành phố yêu cầu chủ đầu tư trả lại để trồng cây xanh, cây hoa, cho đẹp mắt.

Dân số Hà Nội hiện nay trên 7 triệu người, áp lực giao thông rất lớn. Trong khi đó, diện tích đất để dành cho bãi đỗ xe lại ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Việc xây dựng bãi đỗ xe ngầm, phần nào khắc phục việc thiếu bãi đỗ xe ở Thủ đô.

Tuy nhiên, trên thực tế, có dự án phục vụ lợi ích cộng đồng đã bị biến tướng sai mục đích ban đầu, nên một số người dân Thủ đô, còn băn khoăn, hoài nghi về việc xây dựng, quản lý khi kết hợp giữa bãi đỗ xe ngầm và trung tâm thương mại.

Bà Trần Thị Hóa, ở ngõ 1, Khâm Thiên quận Đống Đa, chia sẻ: "Điều khiến tôi quan tâm nhất là việc quản lý phần trên của bãi đỗ xe ngầm. Trên mặt bằng khi đã là vườn hoa rồi thì phải giữ lại đảm bảo luôn luôn là vườn hoa không thể biến tướng. Phía trên sau này có làm trung tâm thương mại hay cái gì đó thì tôi sẽ không đồng tình".

Là người yêu Hà Nội, yêu màu xanh của công viên, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội viên hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có những nghiên cứu khá kỹ về đề tài này.

Mới đây bài viết của kiến trúc sư Ánh với tiêu đề “Nên vẽ gì trong công viên định xây bãi xe ngầm” đã được nhiều báo, tạp chí đăng tải.

Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, xây dựng bãi để xe ngầm trong công viên là chủ trương đúng. Người Hà Nội đã từng lao động vất vả, hy sinh lợi ích riêng làm việc chung thì nay lại được nhìn thấy công viên ấy được trở lại đúng với không gian công cộng, đóng góp cho cuộc sống sinh hoạt chung của Hà Nội thì đấy là điều đáng vui mừng.

Song Kiến trúc sư Trần Huy Ánh tỏ ra băn khoăn về việc đảm bảo an toàn giao thông khi xây dựng bãi giữ xe ngầm, cả đường vào và đường ra của phương tiện đều nằm trên tuyến Lê Duẩn. Tuyến đường không lớn, nhưng lưu lượng phương tiện qua lại rất cao.

"Tôi e rằng nó có những xung đột về mặt giao thông, thế nên trước khi triển khai bãi đỗ xe, các nhà chuyên môn sẽ phải tính toán căn cơ để sao cho vừa tận dụng được không gian hiện có vừa khai thác kinh tế nhưng cũng phải đảm bảo là nơi giao thông an toàn, thuận lợi", kiến trúc sư Ánh nói.

Xây dựng bãi xe ngầm tại góc Công viên Thống Nhất là tránh để lãng phí đất. Ảnh: Anh Tuấn–TTXVN

Đồng tình với quan điểm, trên phần mặt đất của công viên phải trả lại trồng cây xanh, không được xây dựng trung tâm thương mại, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, không nên xây dựng bãi xe bằng cách xã hội hóa rồi từng bước tư nhân hóa. Vì chủ đầu tư, phải tính toán đến lợi nhuận, họ sẽ dần hợp thức hóa phần mặt đất của công viên.

Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, đất tại Công viên Thống Nhất được xem là "đất vàng", cho nên để phát huy tốt, nâng cao hiệu quả sử dụng trên một diện tích đất, hơn thế nữa, công viên còn mang hồn cốt của người dân Hà Nội, nên thành phố cần tổ chức trưng cầu ý kiến người dân, nhà chuyên môn một cách công khai trước khi cho xây dựng bãi đỗ xe, kết hợp trung tâm thương mại. Việc đóng góp này, sẽ giúp nhà quản lý lựa chọn được phương án tốt nhất khi xây dựng bãi xe ngầm tại công viên, để không gian công cộng không bị sứt mẻ, không bị biến tướng.

Nhớ lại thời điểm ngày 30/8/1958, khi Hà Nội khởi công xây dựng Công viên Thống Nhất, hàng chục nghìn học sinh, sinh viên và công dân Thủ đô đã lao động tình nguyện, ăn cơm nhà đi nạo vét bùn, gánh đất để biến một vùng đầm hồ, bãi rác thành công viên.

Nhu cầu để xe ô tô ở Hà Nội là rất lớn, trong khi đó hiện nay thành phố đang duy trì, việc đỗ trên vỉa hè, lòng đường, đám đất trống cạnh công viên vườn hoa, hoặc bãi đỗ xe trên cao, nay là xây dựng bãi xe ngầm.

Những việc làm trên cho thấy Hà Nội đang nỗ lực cải thiện hạ tầng giao thông, để hướng tới xây dựng một Thủ đô hiện đại, văn minh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục