Xây dựng các phương án cho xuất khẩu lô vải đầu tiên sang Nhật

17:49' - 22/12/2019
BNEWS Bắc Giang có vùng sản xuất vải lớn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, tỉnh cần khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, ngay từ khâu chuẩn bị ra hoa cũng cần tổ chức sản xuất thật tốt.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tại buổi làm việc với UBND tinh Bắc Giang về việc chuẩn bị các điều kiện cho xuất khẩu lô vải đầu tiên sang Nhật Bản ngày 22/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Bắc Giang có vùng sản xuất vải lớn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đề nghị tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, ngay từ khâu chuẩn bị ra hoa cũng cần tổ chức sản xuất thật tốt.

Bộ sẽ cử cán bộ chuyên môn về: bảo vệ thực vật, trồng trọt, chế biến và phát triển thị trường và một số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu để xây dựng kế hoạch chi tiết với tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn cùng phối hợp với cán bộ của Bộ; trong đó có việc mời tham tán thương mại phía Nhật Bản sang kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất. Bắc Giang phải cố gắng để mùa vải năm nay, lô đầu vải đầu tiên xuất khẩu đi Nhật Bản có sự tham gia của tỉnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm nay, cây vải chưa được rét để phân hóa mầm hoa tốt, nên cần rất chú ý về kỹ thuật đảm bảo vải ra hoa trong điều kiện hơi bất thuận về phân hóa mầm hoa.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần hết sức chú ý kiểm soát sâu bệnh ngay từ đầu theo đúng quy trình GlobalGAP và VietGAP để đảm bảo mùa quả vải không chỉ đảm bảo năng suất mà còn đảm bảo về an toàn thực phẩm.

“Phát huy truyền thống, kinh nghiệm những năm trước, tỉnh cần lo bán quả vải ngay từ khi chuẩn bị ra hoa. Đây mới gọi là làm chủ thị trường. Tỉnh cũng cần làm tốt hơn khâu chế biến và tổ chức dịch vụ, để chuỗi sản xuất dài hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, ngay sau khi Nhật Bản cho phép nhập khẩu quả vải tươi Việt Nam, Bắc Giang đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương rà soát các yêu cầu, điều kiện, hướng dẫn sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường này.

Tỉnh cũng chuẩn bị các phương án liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để chủ động tiếp cận thị trường, sẵn sàng cho việc xuất khẩu ngay từ vụ vải 2020.

Ông Dương Văn Thái cho biết, tỉnh sẽ làm tốt khâu sản xuất quả vải đạt tiêu chuẩn và đóng gói bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc… theo yêu cầu của Nhật Bản. Tỉnh đã sẵn sàng các giải pháp căn cơ để vụ vải tới đưa được quả vải sang thị trường Nhật Bản.

Ông Dương Văn Thái mong muốn Bộ tiếp tục nghiên cứu, đàm phản mở rộng thị truờng tiêu thụ nông sản; hướng dẫn các địa phương trong tỉnh tổ chức sản xuất đảm bảo các quy định để đủ điều kiện xuất khẩu vải thiều vào thị trường Nhật Bản.

Tỉnh mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ khâu kết nối với các doanh nghiệp có điều kiện đưa quả vải thiều vào phân phối tại thị trường Nhật Bản, trước mắt mời giúp hệ thống siêu thị AEON làm việc, ký kết với tỉnh Bắc Giang xuất khẩu vải thiều vào thị trường Nhật Bản vào năm 2020.

Đến nay, vải thiều Bắc Giang đang trong giai đoạn phân hóa hoa. Mặc dù điều kiện thời tiết tháng 11 và nửa đầu tháng 12 có nhiệt độ trung bình cao hơn nhiều năm khoảng từ 0,5 – 1 độ C.

Tuy nhiên, do thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật chăm sóc vải, nhất là các biện pháp xử lý để tăng khả năng ra hoa, đậu quả vải thiều trong điều kiện mùa đông ấm nên cơ bản diện tích vải thiều của tỉnh chưa có hiện tượng nẩy lộc, dự kiến tỷ lệ ra hoa cao có thể đạt trên 85%.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, để chủ động ứng phó, khắc phục ảnh hưởng do điều kiện thời tiết bất thuận, Bắc Giang sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, tăng cường thông tin tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân quan tâm thực hiện các biện pháp kỹ thuật để hạn chế lộc đông, tăng cường khả năng ra hoa, đậu quả trên cây vải.

Sở sẽ chủ động phối hợp các cơ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới chăm sóc vải thiều; giữ ổn định tổng diện tích trồng vải thiều toàn tỉnh khoảng 28.000 ha, sản lượng đạt trên 160.000 tấn; mở rộng thêm 700ha vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp chứng nhận thêm là 40 ha vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, mở rộng diện tích cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và thị trường mới như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…

Sở Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ jural của Israel, công nghệ CAS của Nhật Bản và các công nghệ bảo quản tiên tiến khác nhằm phục vụ cho xuất khẩu vải thiều tươi đến các thị trường xa, tiềm năng.

Sở Công Thương sẽ tham mưu với UBND tỉnh chương trình xúc tiến thương mại chi tiết cho từng thời điểm, từng thị trường, nhóm khách hàng cụ thể.

Chủ động tiếp cận, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, mở rộng kênh tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại…; nghiên cứu triển khai xúc tiến quảng bá maketing điện tử.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các doanh nghiệp, các hợp tác xã chủ động triển khai đóng gói, bao bì, tem, nhãn hiệu hàng hóa, hình ảnh sản phẩm vải thiều; chỉ đạo người sản xuất thực hiện các quy trình sản xuất an toàn để đủ điều kiện xuất khẩu.

Xác định các thị trường đều có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc… nên tỉnh tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, đặc biệt là thị trường Trung Quốc; triển khai các giải pháp đồng bộ trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều sang các thị trường mới có tiềm năng như: EU, Nhật Bản… ; chú trọng vào xuất khẩu vải thiều đóng gói, chế biến có giá trị gia tăng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục