Xây dựng Chỉ thị về ổn định cung cầu và bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán

20:00' - 02/11/2023
BNEWS Bộ Công Thương đang xây dựng Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán.
Nhằm chuẩn bị nguồn cung hàng hóa khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, Bộ Công Thương đang xây dựng Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024 nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân tốt nhất với giá cả bình ổn.

 
Đơn cử, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân. Trong đó, Sở Công Thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện Tết năm 2023.

Về phía các doanh nghiệp, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) dự kiến cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Lượng hàng dự trữ chiếm khoảng 10-20% sản lượng.

Ngoài việc bảo đảm bình ổn giá, doanh nghiệp còn giảm giá từ 10-20% các sản phẩm thiết yếu vào các ngày cuối tuần và giảm giá 30% một số nhóm hàng cho khách hàng mua sắm Tết muộn.

Còn tại hệ thống Saigon Co.op đã chuẩn bị nguồn hàng từ 3 tháng trước. Cùng đó, Saigon Co.op cũng tính toán lại giá cả, cân đối thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú nhưng có giá ổn định, cùng nhiều ưu đãi.

Dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, khách hàng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Năm nay, lượng hàng tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày bình thường. Mức giá bán ra luôn ổn định, tốt nhất cho người tiêu dùng.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại, nhu cầu tiêu dùng của người dân theo thông lệ sẽ tăng lên trong những ngày giáp Tết, tuy nhiên, việc mua tích trữ hàng hóa giảm dần do sự phát triển của hệ thống phân phối và thay đổi thói quen tiêu dùng. Do đó, với sự chuẩn bị nguồn hàng dồi dào của các doanh nghiệp, việc chỉ đạo, điều hành cùng với chương trình bình ổn thị trường tại nhiều địa phương sẽ bảo đảm ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu người dân.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, thị trường hàng hóa trong nước tương đối sôi động, giá cả ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Cụ thể, thị trường hàng hoá tháng 10/2023 sôi động hơn khi nhu cầu hàng may mặc, trang thiết bị gia đình tăng vào giai đoạn chuyển mùa.

Cùng đó, hệ thống phân phối bán lẻ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng tiêu dùng trong dịp lễ 20/10 nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.

Riêng tại các tỉnh miền Trung, do ảnh hưởng của mưa bão khiến nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, vận chuyển khó khăn nên nguồn cung giảm khiến giá rau xanh, củ quả các loại có xu hướng tăng cao.

Ngoài ra, giá các loại thóc, gạo nguyên liệu phục vụ xuất khẩu tăng trở lại. Các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá điều chỉnh theo giá thế giới; giá các mặt hàng khác không có nhiều biến động.

Thống kê từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 536,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục, đồ dùng gia đình tăng khá cao và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tích cực.

Tính chung 10 tháng năm 2023, tình hình thị trường trong nước về cơ bản tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa trong nước được bảo đảm. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và so với giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.105,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,7%).

Trong số đó, mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm tăng 11,2% và nhóm hàng du lịch, dịch vụ tăng từ 10,4 - 47,6% do nhu cầu các dịch vụ này vẫn đang tiếp tục phục hồi sau dịch COVID-19; các nhóm hàng khác tăng từ 5,5-13,6%; riêng nhóm phương tiện đi lại giảm 2,8%.

Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 12%; Bình Dương tăng 10,2%; Khánh Hòa tăng 9,9%; Đồng Nai tăng 9,8%; Cần Thơ tăng 9,4%; Hải Phòng tăng 9,3%; Đà Nẵng tăng 7%; TP. Hồ Chí Minh tăng 5,9%; Hà Nội tăng 5,4%./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục