Xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển của kinh tế số

14:59' - 17/02/2022
BNEWS Kinh tế thế giới và ở mỗi quốc gia đã chứng minh rằng, công nghệ số gắn với các hoạt động kinh tế, là phương thức quan trọng để phục hồi, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.
Toàn cảnh tọa đàm: “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên Internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam”. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS-TTXVN

Với mục đích góp ý và xây dựng khung chính sách quản lý dịch vụ internet tại Việt Nam cũng như đánh giá những tác động của chính sách hướng tới sự phát triển toàn diện của nền kinh tế số, sáng 17/2 tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp cùng với Liên minh Internet châu Á (AIC) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam”.

 
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã thay đổi đáng kể cuộc sống của con người. Các cuộc đàm phán xuyên biên giới, hoạt động giải trí với các trò chơi điện tử xuyên biên giới, giao dịch vật phẩm là tài sản số (NFT) xuyên biên giới, phổ biến và tiếp cận thông tin xuyên biên giới trong mọi lĩnh vực đời sống từ ‘hộ chiếu vaccine’ đến xung đột quân sự, các dòng dữ liệu lưu chuyển xuyên biên giới… trên những thiết bị công nghệ kết nối internet.
 

Đây là một phần của bức tranh kinh tế số thế giới nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng. Điều này đã chứng minh rằng, công nghệ số gắn với các hoạt động kinh tế và là phương thức quan trọng trong việc phục hồi, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Theo ông Hồng, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu, tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GDP đến năm 2025 và để thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật số, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách liên quan đến công nghệ số.

Theo đó, có chính sách pháp luật đối với các dịch vụ trên internet như: dịch vụ cung cấp thông tin xuyên biên giới, dịch vụ điện toán đám mây; dịch vụ trò chơi điện tử, dịch vụ mạng xã hội được thể hiện trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

 
Sự bùng nổ của các dịch vụ nội dung số nói trên có những đóng góp to lớn, không chỉ cho khu vực kinh tế số nói riêng mà còn toàn bộ nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, đi kèm với sự phổ biến của dịch vụ nội dung số là sự gia tăng của các hiện tượng tin giả, thông tin không chính xác, những nội dung không lành mạnh với trẻ em và các nội dung đi lệch chuẩn văn hoá, đạo đức nói chung.
 

Tọa đàm gồm 2 phiên chuyên đề tập trung đánh giá tổng quan, những tác động của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đối với doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; đồng thời, thảo luận và khuyến nghị chính sách quản lý dịch vụ trên internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Đông, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho biết, hiện nay, các điều kiện cấp phép về tổ chức, nhân sự, kỹ thuật dành cho doanh nghiệp cung cấp dịch trò chơi điện tử trên mạng được yêu cầu bãi bỏ theo Quyết định 1994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/11/2021.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng thì lại vẫn giữ nguyên. Hay như dịch vụ trung tâm lưu trữ dữ liệu đã trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh của ngành nghề này.

Ngoài ra, việc quản lý thông tin trên các nền tảng xuyên biên giới vẫn còn là một thách thức với cơ quan quản lý Nhà nước và có thể trở nên khó khăn hơn nữa khi "thế giới ảo" đang ngày càng trở nên phổ biến. Các vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và liệu dự thảo này có đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin trên internet đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

 
Theo ông Đông, cần có những biện pháp và công cụ kiểm soát những vấn đề bất cập ở một số phân ngành kinh doanh công nghệ như giải trí số (nhạc, phim, video); game; dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ thông tin hay xuất bản và các ấn bản phẩm... Theo đó, tập trung vào những vấn đề như tin giả, thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc, lệch chuẩn, thông tin tác động xấu đến cá nhân và chống phá Nhà nước.
 
Ông Đông khuyến nghị, cần tập trung vào việc xây dựng kỹ năng số cho người dùng và đào tạo kỹ năng số cho học sinh trong các chương trình phổ thông. Bên cạnh đó, kết hợp các giải pháp pháp lý và giải pháp công nghệ để khắc phục những vấn đề bất cập trong quá trình thực thi như phân loại nội dung theo độ tuổi; theo tiêu chuẩn cộng đồng hay xây dựng trung tâm chống tin giả. 
 
Ngoài ra, xây dựng cơ chế các nhóm làm việc giám sát phân ngành; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ liên quốc gia. Riêng đối với những tranh chấp nội dung giữa người dùng và người dùng, vốn là quan hệ dân sự.../.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục