Xây dựng công trình xanh gặp khó ngay cả khi dùng vốn ngân sách

17:49' - 09/09/2017
BNEWS Việc xây dựng công trình xanh đang gặp khó ngay cả đối với các công trình đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.
Thiết kế Tòa nhà văn phòng xanh FPT, khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: kientrucvietnam.org.vn

Tại hội thảo “Phát triển công trình xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 9/9 tại Tp. Hồ Chí Minh, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, phát triển công trình xanh là một trong những nội dung ưu tiên cao, xuyên suốt, là cơ hội đầu tư tiềm năng đồng thời mở ra các cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi được Chính phủ quy định dành cho các dự án đóng góp tăng trưởng xanh.

“Tuy nhiên hiện nay thị trường vật liệu và công nghệ công trình xanh còn hạn chế; công tác tiếp nhận công trình xanh còn khiêm tốn so với các quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia, Trung Quốc. Các công cụ phục vụ công tác quản lý nhà nước về công trình xanh, tiết kiệm năng lượng vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được triển khai sâu rộng. Cùng với đó, các chính sách ưu tiên, ưu đãi chưa đa dạng để thu hút sự quan tâm của chủ đầu tư”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, với riêng thị trường bất động sản, việc ứng dụng phát triển kiến trúc xanh, xây dựng xanh sẽ mang lại nhiều giá trị gia tăng, tạo sự phát triển bền vững.

Hưởng ứng chương trình 5 năm (2017 – 2022) tạo lập nền tảng cơ bản hình thành thị trường bất động sản xanh Việt Nam của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp bất động sản và xã hội cam kết tham gia với vốn tài trợ hơn 1 triệu USD cùng với nhiều cam kết hỗ trợ kỹ thuật khác.

Để xây dựng thị trường bất động sản xanh Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm nghiên cứu ban hành các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí liên quan đến công trình xanh; áp dụng các cơ chế miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho công tác phát triển công trình xanh…

Ông Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong tổng số 36 công trình đã kiểm tra và chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng trong 6 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn, có 10 công trình thuộc đối tượng phải sử dụng vật liệu xây không nung.

Tính đến tháng 8/2017, trên địa bàn thành phố có 7 công trình đạt được các tiêu chí về công trình xanh (chứng chỉ LEED, EDGE), trong đó có 3 chung cư, 2 công trình văn phòng, 1 công trình trường học và 1 công trình công nghiệp.

Trong thời gian qua, thành phố đã đẩy mạnh việc sử dụng vật liệu xây không nung, nhất là với các công trình xây dựng bằng vốn ngân sách. UBND thành phố đã ban hành các quy định, chương trình khuyến khích đầu tư xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh.

Đơn cử thành phố sẽ xem xét tăng hệ số sử dụng đất đối với các công trình xanh trong khu trung tâm (khu 930 ha) thêm 25%.

Sở Xây dựng thành phố đang phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tham mưu xây dựng cơ chế ưu đãi công trình xanh tại Tp. Hồ Chí Minh như rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, ưu đãi về sử dụng đất, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc...

Dự thảo cơ chế ưu đãi này hiện đang được Sở Tư pháp thành phố thẩm định, dự kiến trình UBND thành phố ban hành trong năm 2017.

Tuy nhiên cũng theo ông Nguyễn Bá Thành, việc xây dựng công trình xanh đang gặp khó ngay cả đối với các công trình đầu tư bằng ngân sách Nhà nước khi nhiều chủ đầu tư vẫn chưa thật sự áp dụng các biện pháp, công nghệ tiết kiệm năng lượng, phát triển công trình xanh do chi phí đầu tư ban đầu cao.

Việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung gặp khó khăn về công nghệ, giải pháp, tiêu chí thi công và nghiệm thu công trình.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng Phúc Khang, đơn vị đang đầu tư một số dự án bất động sản xanh tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, công trình xanh không hẳn là công trình được trồng nhiều cây xanh, sơn màu xanh mát mắt mà bao gồm ý nghĩa sự sống, tính sinh thái, sự thân thiện với môi trường.

Tại Việt Nam công trình xanh vẫn còn rất khiêm tốn và là hướng đi mới mẻ đối với các đơn vị xây dựng, quản lý.

Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, để phát triển các công trình xanh, cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ướng đến địa phương cần ban hành cơ chế khuyến khích chủ đầu tư như thuế, thủ tục hành chính, hệ số quy hoạch, đơn giá thiết kế đồng thời truyền thông mạnh mẽ các phong trào sống xanh đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần mạnh dạn tham gia phát triển công trình xanh vì đây là một trong những cách nâng cao uy tín và thương hiệu trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng ngày một cao và thiết thực hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục