Xây dựng gói hỗ trợ đặc biệt, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp

20:29' - 18/08/2021
BNEWS UBND tỉnh An Giang và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón tham gia cuộc họp đã thống nhất cùng xây dựng gói hỗ trợ đặc biệt cung ứng đủ phân bón, phục vụ sản xuất vụ lúa Thu Đông năm 2021.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá cả phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, chiều ngày 18/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón lớn của cả nước để trao đổi thông tin về tình hình cung cầu, giá cả và đề xuất các giải pháp bình ổn thị trường phân bón, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp tại tỉnh An Giang.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, giá phân bón trên địa bàn tỉnh đang ở mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây, tăng từ 20 - 70% so với đầu năm 2021. Toàn tỉnh hiện có 15 doanh nghiệp phân phối, kinh doanh phân bón với quy mô lớn; khoảng 1.200 cửa hàng, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp bán mặt hàng phân bón.

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón khẳng định, nguồn cung phân bón không thiếu, thậm chí tăng hơn năm 2020. Các nhà máy đều tăng tối đa công suất hoạt động nên không xảy ra tình trạng thiếu hụt phân bón ở các đại lý tại địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, có An Giang.

Tuy nhiên, trước ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao do nguyên liệu nhập khẩu, chi phí vận chuyển, xét nghiệm, duy trì sản xuất “3 tại chỗ”… khiến giá thành sản xuất tăng mạnh so với đầu năm 2021.

Ông Phạm Quang Trung, Phó Ban Kinh doanh Tổng Công ty phân bón và hóa chất Dầu khí cho biết, hiện nay nguồn cung phân bón trong nước không thiếu; trong đó Nhà máy Đạm Phú Mỹ sản xuất hầu như vượt công suất, kịp thời cung ứng các loại phân bón ra thị trường.

Đến thời điểm này, nguồn cung của Tổng Công ty tại khu vực miền Tây Nam bộ còn dư thừa so với nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, tại An Giang, doanh nghiệp luôn có phương tiện vận chuyển, chở hàng về liên tục, có thời điểm phải chờ hàng tại các cầu cảng, cầu kho để trả hàng cho các đại lý nhằm phục vụ nhu cầu của bà con nông dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí đã cung ứng cho khu vực miền Tây gần 95.000 tấn phân bón các loại, tăng gần 20% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2020.

Về giá phân bón tăng cao thời gian gần đây, ông Phạm Quang Trung cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2021, nguồn cung về giá khí sản xuất ra đạm Urê, các loại phân DAP tăng gấp đôi so với năm trước; phân Kali và các loại phân khác đều tăng ít nhất 50% đến 200% so với năm 2020 dẫn đến chi phí sản xuất đầu vào của doanh nghiệp tăng cao.

Bên cạnh đó, các chi phí vận chuyển, xét nghiệm, duy trì sản xuất “3 tại chỗ”…  làm cho chi phí sản xuất tăng, dẫn đến giá thành sản phẩm và giá bán sản phẩm cũng tăng cao.

Cùng chung quan điểm này, ông Huỳnh Trần Anh Quang, Giám đốc khu vực Tây Nam bộ Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết, nguồn cung và công suất sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước luôn dôi dư, công suất cao hơn rất nhiều, sản lượng sản xuất thực tế của các nhà máy để cung cấp ra thị trường cũng vượt quá nhu cầu của thị trường.

Do đó, việc tăng giá ở một vài thời điểm ở một số địa phương là do khâu lưu thông và ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Để đảm bảo đủ nguồn cung phân bón, góp phần giảm chi phí đầu vào cho bà con nông dân sản xuất vụ Thu Đông 2021 sắp tới, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón tham dự cuộc họp cam kết sẽ rà soát, cố gắng cắt giảm tối đa chi phí không cần thiết như: truyền thông, quảng bá, xúc tiến thị trường, cải tiến dây chuyền sản xuất, vận chuyển đến các đại lý…; đồng thời, nâng cao công suất của nhà máy nhằm đảm bảo giá bán tốt nhất cho bà con nông dân.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tạo “luồng xanh” cho phương tiện thủy (tàu, ghe) vận chuyển phân bón và đội ngũ tài công, thuyền viên bởi đây là mặt hàng thiết yếu cần ưu tiên.

Các địa phương cũng rà soát lại năng lực kho chứa của các đại lý phân phối, ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những người làm việc tại các đại lý để không bị đứt gãy khâu phân phối.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định, để có giá phân bón thấp nhất đến tay nông dân phải cắt giảm tối đa các khâu trung gian trong phân phối phân bón và các doanh nghiệp xây dựng hệ thống bán hàng trực tiếp từ nhà máy đến đại lý cấp 1, các hợp tác xã, tổ hợp tác, giảm các bước trung gian như đại lý cấp 2, 3,…

Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón cung cấp cụ thể danh sách đại lý cấp 1, giá niêm yết tại đại lý cấp 1 để tỉnh hỗ trợ phương tiện thủy, bộ đưa thẳng phân bón xuống hợp tác xã để giảm tối đa khâu trung gian.

UBND tỉnh An Giang và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón tham gia cuộc họp đã thống nhất cùng xây dựng gói hỗ trợ đặc biệt cung ứng đủ phân bón, phục vụ sản xuất vụ lúa Thu Đông năm 2021 cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang với giá hợp lý nhất, đặc biệt là trong 20 ngày đầu của vụ Thu Đông. Theo đó, trước mắt cần 25.000 tấn phân bón Urê, 20.000 tấn phân DAP…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cũng yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương cắt giảm tối đa diện tích sản xuất vụ Thu Đông 2021 xuống còn khoảng 110.000 - 120.000 ha thay vì 170.000 ha như trước đây; tăng diện tích xả lũ để giảm nhu cầu sử dụng phân bón.

Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu các phương pháp chăm sóc lúa mới, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng đất nhằm giúp người nông dân sử dụng phân bón tiến kiệm, hiệu quả.

Về lâu dài, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón cần ứng dụng thương mại điện tử, đưa các sản phẩm phân bón, vật tư nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử nhằm giảm các khâu trung gian không cần thiết, giúp người nông dân mua phân bón, vật tư nông nghiệp với giá tốt nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục