Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên

20:30' - 05/10/2024
BNEWS Trong bối cảnh công nghệ 4.0, sự chuyển dịch từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số đã và đang mang lại những chuyển biến tích cực trên mọi phương diện của đời sống kinh tế - xã hội.

Thuật ngữ "khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" đã trở thành chủ đề “nóng” đang được cả nước quan tâm. Tại tỉnh Đắk Lắk lực lượng học sinh, sinh viên với khát vọng thực hiện lý tưởng bản thân đã nhận thức, xây dựng, trải nghiệm các dự án khởi nghiệp, từ đó, khơi dậy sự khát khao, mong muốn được khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

* Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

Dù vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng em Võ Nguyễn Anh Khoa, học sinh lớp 10 C1, Trường Trung học Cơ sở-Trung học Phổ thông Đông Du (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã ấp ủ dự án khởi nghiệp. Anh Khoa chia sẻ, bản thân em là người rất yêu thích tiếng Anh. Tiếng Anh khá quan trọng trong thời kỳ hội nhập phát triển.
 

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bạn học sinh vẫn đang gặp phải một số khó khăn trong việc học động từ, cụm động từ. Đây là những từ khó và yêu cầu độ chính xác cao. Chính vì vậy, anh Khoa đã hình thành ý tưởng làm sách nổi song ngữ (Anh-Việt), giúp phát triển các kỹ năng tiếng Anh cho học sinh.

Em sẽ tập trung phát triển sản phẩm của mình bằng những điều đang có tại ngay chính địa phương. Đắk Lắk nơi em đang sống có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, di tích lịch sử cấp quốc gia... Do đó, em sẽ tìm hiểu và phát triển sách song ngữ có tính chính xác cao và kết hợp các hình nổi bằng danh lam thắng cảnh tại Đắk Lắk. Các bạn sẽ dễ dàng học hỏi; đồng thời, giúp các bạn nước ngoài cũng có thể học tiếng Việt được dễ dàng, em Võ Nguyễn Anh Khoa chia sẻ.

Cũng ấp ủ và từng tham gia chương trình, dự án khởi nghiệp nến thơm, sinh viên Trần Trung Kiên, lớp kinh tế phát triển K22, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: Trong thời đại đổi mới như hiện nay, các sản phẩm mới chưa từng có trên thị trường rất hiếm. Để tạo ra sản phẩm đổi mới sáng tạo em sẽ tận dụng từ những sản phẩm sẵn có và cải tiến thêm.

Trong các cuộc thi khởi nghiệp, sản phẩm nến thơm đã có và không mới, ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, em đổi mới sáng tạo sản phẩm trên bằng cách tối ưu chi phí giá thành, tăng hiệu quả, hiệu suất đốt sản phẩm lên gấp 3-5 lần sản phẩm thông thường. Sản phẩm nến thơm do em sản xuất được khách hàng đánh giá cao, em Kiên chia sẻ.

Câu lạc bộ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường Đại học Tây Nguyên hiện có 20 thành viên là các bạn trẻ đam mê và có nhiều khát khao khởi nghiệp. Hằng tuần, nhóm các thành viên trẻ ngồi lại cùng nhau trao đổi những ý tưởng, khó khăn để các thành viên khác góp ý, hỗ trợ.

Em Trần Trung Kiên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho hay, hoạt động của câu lạc bộ giúp trau dồi cho các bạn trẻ biết trong quá trình khởi nghiệp cần những kỹ năng gì. Hiện tại, câu lạc bộ tập trung hướng dẫn các thành viên bước đầu đổi mới sáng tạo trong học tập, khả năng tiếp cận vấn đề, thuyết trình, xây dựng các trang fanpage trên nền tảng mạng xã hội, cho các bạn vừa học hỏi, vừa thực chiến...

Quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là các bạn trẻ nên vận dụng khoa học, văn minh, có sự học hỏi bài bản đầy đủ. Quá trình khởi nghiệp rất cô đơn, do đó, tại câu lạc bộ khi các bạn thiếu điều gì sẽ được hỗ trợ như các mối quan hệ, nguồn lực, truyền thông... Câu lạc bộ sẽ cố gắng xây dựng các mối quan hệ trong tỉnh để hỗ trợ thêm cho các thành viên.

PGS. TS Lê Đức Niêm, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: sinh viên chắc chắn sẽ là những nhà khởi nghiệp hiện tại và trong tương lại. Họ sẽ thay thế các nhà doanh nghiệp khác. Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp là điều đặc biệt quan trọng. Việc đốt ngọn lửa, đồng thời cung cấp bộ kỹ năng cho sinh viên sẽ giúp các bạn thành công trong môi trường sinh thái của tỉnh Đắk Lắk trong tương lai.

“Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đòi hỏi sự cố gắng tổng hợp nhiều bên liên quan trong đó có giảng viên. Nhà trường đã đưa chương trình khởi nghiệp vào trong chương trình đào tạo. Trong năm 2024, nhà trường là thành viên của dự án quốc tế do Australia tài trợ, xây dựng liên kết đổi mới sáng tạo cho khu vực Tây Nguyên. Thông qua hoạt động đó, các chương trình đổi mới sáng tạo của nhà trường sẽ thay đổi, các hoạt động có tính chiều sâu hơn”, ông Lê Đức Niêm thông tin.

* Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thời gian qua, việc hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện. Mới đây, trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk năm 2024, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, tập huấn cho các đối tượng; trong đó, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Qua đó, giúp các em có cơ hội trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm để xây dựng ý tưởng, thực hiện khởi nghiệp, kết nối huy động vốn... Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo chiều sâu, Đắk Lắk cần thay đổi, thực hiện nhiều giải pháp.

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tái cấu trúc - Chuyển đổi số Dr.SME cho biết, sinh viên ngày nay có rất nhiều ý tưởng, dấn thân, chịu khó thực hiện, nhưng sức bền trong khởi nghiệp còn yếu. Do đó, để giải quyết những vấn đề khó khăn mà các bạn học sinh, sinh viên và thanh niên đang gặp phải không thể thiếu sự quan tâm của nhà nước. Các đơn vị cần nghiêm túc nhìn nhận các hoạt động khởi nghiệp còn những điểm gì chưa tốt để thay đổi.

Tại tỉnh Đắk Lắk có các thế mạnh như chất lượng nguồn nhân lực dồi dào; vị trí chiến lược về giao thông, kinh tế, địa lý; có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Đây là 3 yếu tố quan trọng về thiên thời, địa lợi để phát triển khởi nghiệp.

Do đó, Đắk Lắk cần định hướng là tỉnh dẫn dắt cả vùng Tây Nguyên. Để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các bạn học sinh, sinh viên và thanh niên cần tập trung về những câu chuyện khởi nghiệp liên quan đến công nghiệp đổi mới sáng tạo, phi vật thể, tài nguyên bản địa, du lịch... Đây là những thế mạnh của địa phương và tỉnh cần xác định tập trung tránh làm tràn lan.

Theo ông Trương Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Đắk Lắk là một trong những địa phương có sự khởi động tương đối sớm, tuy nhiên, vẫn còn một vài thành tố chưa được hoàn thiện mạnh mẽ.

Để thúc đẩy giai đoạn đến của hệ sinh thái, tỉnh Đắk Lắk cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía các thành tố còn thiếu như: Các tổ chức thúc đẩy hỗ trợ khởi nghiệp; cộng đồng các nhà cố vấn khởi nghiệp; nhà đầu tư vào khởi nghiệp. Đây là những thành tố vô cùng quan trọng cho hệ sinh thái. Thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk cần thành lập chỉ dẫn các thành tố; nhận diện người sẵn sàng dấn thân, chấp nhận rủi ro, thử thách mới tạo động lực cho hệ sinh thái phát triển...

“Sự quan tâm từ phía lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ban, ngành cho thấy tín hiệu tích cực cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk. Thời gian tới, với những nỗ lực từ lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành sẽ cùng hòa nhịp vào trong quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp từ đó đồng bộ, hợp nhất hơn. Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ quan tâm, đồng hành và đến trực tiếp hỗ trợ những hoạt động xây dựng hệ sinh thái tại các địa phương”, ông Trương Thanh Hùng thông tin.

Bà Tống Thị Lan Chi, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, để xây dựng được hệ sinh thái mạnh cần sự chung tay của nhiều thành tố khác nhau. Do đó, thời gian tới, trung tâm sẽ thực hiện vai trò tiên phong đề xuất những mô hình thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trình lên UBND tỉnh; trong đó, mô tả các thành tố, hoạt động để cùng chung tay tạo nên hệ sinh thái ngày càng phát triển.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục