Xây dựng kế hoạch và phương án đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi

06:35' - 22/04/2018
BNEWS Mùa mưa, bão năm 2018 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, bảo đảm an toàn hồ chứa nước thủy lợi là một trong những vấn đề cần có sự quan tâm sát sao của các nhà quản lý và người dân.
Bảo vệ an toàn các hồ đập trước nguy cơ mưa lớn, lũ quét. Ảnh minh họa: Quang Cường - TTXVN
Mùa mưa, bão năm 2018 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, bảo đảm an toàn hồ chứa nước thủy lợi là một trong những vấn đề cần có sự quan tâm sát sao của các nhà quản lý và người dân. Ngoài những giải pháp công trình về tu bổ, nâng cấp các hồ chứa xuống cấp, các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan cần nâng cao năng lực dự báo, chủ động các kịch bản và có phương án chủ động trong công tác ứng phó. 

* Nhiều nguy cơ mất an toàn 

Hồ chứa nước thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần ổn định phát triển bền vững tài nguyên nước. 

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có tổng số 6.648 hồ chứa thủy lợi các loại (trong đó có 702 hồ chứa lớn) với tổng dung tích trữ khoảng 13,5 tỷ m3, được phân bố tại 45/63 địa phương trên cả nước. Các địa phương có nhiều hồ chứa là: Nghệ An, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Hòa Bình, Tuyên Quang, Đắk Nông... 

Tuy nhiên, qua kiểm tra, khảo sát cho thấy, phần lớn các đập tạo hồ chứa thủy lợi đều là đập đất, xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Do hạn chế về kỹ thuật và vốn đầu tư, tuổi đời đã quá lâu nên đã xảy ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Theo thống kê, kiện cả nước có khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp. 

Thời gian qua, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo nhiệm vụ an toàn hồ chứa. Việt Nam đã có chương trình an toàn hồ chứa, cùng với đó là dự án sửa chữa và nâng cấp an toàn hồ đập vay vốn Ngân hàng thế giới gần 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ chương trình tại 35 tỉnh, thành phố cả nước. Trong khoảng 10 năm, đã nâng cấp trên 600 hồ đập, đặc biệt đây là hồ đập lớn. 

Tuy vậy, tình hình an toàn đập trong những năm vừa qua vẫn diễn biến hết sức nghiêm trọng. Năm 2017, đã xảy ra sự cố ở 23 hồ, đập trên địa bàn 11/45 tỉnh có hồ. Trong đó, có sự cố mất an toàn hồ đập ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Nam, Hòa Bình… 

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định,mùa mưa bão năm 2018 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường. Trên biển Đông sẽ xuất hiện từ 12 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó từ 5 đến 6 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đáng lưu ý là xuất hiện nhiều đợt mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn. Đây là nhân tố nguy hiểm cho các hồ chứa thủy lợi, nhất là các hồ chứa đang trong tình trạng hư hỏng và mất an toàn. 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, tác động của biến đổi khí hậu cùng với những tác động khác cho chúng ta thấy nguy cơ mất an toàn hồ đập có thể xảy ra ở mọi nơi, kể cả những hồ đập có chất lượng tốt. Vì mưa có cường độ cực đoan trên thực tiễn đã diễn ra gần đây, nhất là ở miền núi phía Bắc. Do đó, quan trọng là phải tăng cường tất cả các giải pháp quản lý để có thể kịp thời ứng phó với các trường hợp có thể xảy ra. 

* Chủ động phương án đảm bảo an toàn cho các đập, hồ chứa 

Để đảm bảo an toàn đập và các hồ chứa thủy lợi khi mùa mưa bão đang đến gần, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, cần phải có hành động cụ thể và triển khai sâu rộng. Về giải pháp công trình, cần ưu tiên sửa chữa công trình đầu mối, nâng cao khả năng chống lũ của những hồ chứa đang xuống cấp nghiêm trọng. Thứ trưởng nhấn mạnh, các địa phương phải khẩn trương xây dựng kế hoạch và phương án đảm bảo an toàn hồ chứa. Trong đó, chú trọng đến vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du; thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa... Đối với những hồ đập bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao thì thực hiện phương châm không tích nước, thậm chí phải phá đập tràn để bảo vệ công trình... 

Bên cạnh đó, việc theo dõi thường xuyên diễn biến khí tượng thủy văn và các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo các thời hạn dự báo khác nhau là cần thiết để sớm chủ động lập kế hoạch và các phương án vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa nước thủy lợi. 

Nhằm chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn; chỉ đạo xây dựng, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình và vùng hạ du đập, hồ chứa nước; tổ chức hướng dẫn, diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là vùng hạ du đập, hồ chứa nước xung yếu. 

Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, củng cố lực lượng quản lý công trình thủy lợi đủ năng lực, chuyên môn về quản lý, vận hành; thường xuyên theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình.Đối với các hồ chứa nước lớn có cửa van xả lũ phải thường xuyên quan trắc, tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ để chủ động vận hành đập, hồ chứa nước chống lũ an toàn; cập nhật thông tin vận hành hồ chứa tối thiểu 1 lần/ngày khi không có mưa, lũ và 15 phút một lần với hồ chứa thuộc quy trình liên hồ, 3 lần/ngày đối với các hồ chứa thủy lợi lớn khác khi có mưa lũ trên trang điện tử thu thập thông tin điều hành hệ thống thủy lợi của Tổng cục Thủy lợi. 

Đặc biệt, các tỉnh, thành phố phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các cấp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn công trình thủy lợi./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục