Xây dựng ngành thủy sản hội nhập, phát triển bền vững và có trách nhiệm

16:46' - 01/04/2021
BNEWS Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, ngành thủy sản cần triển khai đồng bộ giải pháp, định hướng chiến lược, thực hiện thành công các mục tiêu.

Trải qua 62 năm (1/4/1959 – 1/4/2021) phát triển, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bứt phá vượt bậc, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Sang giai đoạn mới cũng như thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành thủy sản tiếp tục hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển bền vững, có trách nhiệm và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, ngành thủy sản luôn có tốc độ tăng trưởng cao; quy mô và giá trị sản xuất lớn; có nhiều sản phẩm xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Cơ cấu sản phẩm của kinh tế thuỷ sản được thay đổi mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị cao, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Sản phẩm thủy sản được xuất khẩu sang khoảng 160 nước và vùng lãnh thổ; trong đó, có những thị trường quan trọng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Nga...

Trong giai đoạn 2010-2019, cơ cấu GDP ngành thủy sản trong toàn ngành nông nghiệp tăng từ 17,8% lên 24,4%. Sản lượng thủy sản tăng từ 5,1 triệu tấn lên 8,2 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng từ 5 tỷ USD lên tới 8,6 tỷ USD tương ứng 1,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước và 20,8% kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp. Ngành cũng đã xây dựng được các ngành hàng chủ lực như tôm, cá tra...

Không chỉ đáp ứng nguồn cung thực phẩm, sự hiện diện của tàu thuyền và ngư dân trên các vùng biển cũng đã góp phần quan trọng trong giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc. Thủy sản giải quyết việc làm cho khoảng 3,9 triệu lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng tham gia phát triển thủy sản ngày càng được nâng cao...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nêu trên, ngành thủy sản đang còn bộc lộ không ít những tồn tại, bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về phát triển thủy sản của đất nước.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay, những năm gần đây, ngành đã đối mặt với chuỗi thách thức từ biến đổi khí hậu, thiên tai, môi trường, thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Đó là những tác động của hạn mặn lịch sử xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long; sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, Ủy ban châu Âu rút cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác.

Năm 2020, hạn hán, xâm nhập mặn cùng với thời tiết cực đoan bão, lũ xảy ra liên tục ở nhiều địa phương; đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn không những đến sản xuất, xuất khẩu mà còn tác động đến mọi mặt đời sống.

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên cho giai đoạn mới, ngành thủy sản đã đặt ra nhiều định hướng, mục tiêu phát triển mới; đặc biệt là thực hiện Chiến lược Phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện trên từng lĩnh vực như: bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; chế biến và thương mại thủy sản.

Cụ thể, mục tiêu đến 2030, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt từ 14-16  tỷ USD và ngành thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và đến năm 2045 đưa ngành thủy sản trở thành nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới.

Theo ông Trần Đình Luân, chiến lược có cách tiếp cận rất mới để phát huy lợi thế của ngành, đưa ngành thủy sản tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng được yêu cầu của thị trường, phát triển bền vững, có trách nhiệm và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong hội nhập, thực thi các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… thủy sản Việt Nam đã có nhiều cơ hội để mở rộng xuất khẩu.

Để tận dụng được lợi thế phải tuân thủ được các quy định mà Hiệp định đã đề ra. Cơ hội cho phát triển thủy sản rất lớn nhưng theo đó là một loạt vấn đề từ tổ chức sản xuất đến mở rộng thị trường, tuân thủ các quy định trong tái cơ cấu ngành đang rất cần sự nỗ lực vào cuộc từ các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và cả doanh nghiệp, người dân.

"Tuy nhiên, lợi thế bao giờ cũng song hành với thách thức. Bởi những thách thức đi kèm cũng lại là cơ hội để tổ chức lại sản xuất trong ngành để từ đó bảo đảm về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, tiêu chuẩn chất lượng… đáp ứng tốt hơn các yêu cầu từ thị trường. Điều này đã được thấy rõ khi vừa qua nhiều doanh nghiệp đã chủ động quay trở lại đầu tư vùng nguyên liệu cho mình. Nhiều doanh nghiệp đã cùng bà con thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến. Đây là tín hiệu tốt để chúng ta tổ chức sản xuất theo chuỗi như chúng ta kỳ vọng.", ông Trần Đình Luân cho hay.

Theo ông Trần Đình Luân, các địa phương cũng phải tổ chức lại sản xuất với sự liên kết, kiểm soát tốt vật tư đầu vào, quan trắc cảnh báo môi trường, có các cảnh báo phòng ngừa dịch bệnh kịp thời, chuyển giao khoa học công nghệ để sản xuất sạch... nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Đây là việc làm cả trước mắt cũng là nhiệm vụ lâu dài.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, các ngành chức năng cần đầu tư hơn cho hệ thống hạ tầng khai thác thủy sản như cảng cá, nơi neo đậu tránh trú bão… để có hạ tầng tốt phục vụ cho truy suất nguồn gốc thủy sản khai thác. Việc đầu tư hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản cũng để đáp ứng tốt hơn việc chuyển đổi sản xuất từ cây lúa, cây ăn quả… không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản nhằm phát huy lợi thế.

Cùng với đó, đầu tư hơn cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống, công nghệ nuôi, bảo quản, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng như thực phẩm chức năng, dược phẩm… để nâng cao cũng như kéo dài chuỗi giá trị sản xuất, tạo thành được chuỗi giá trị khép kín.

Với việc gỡ thẻ vàng  đối với sản phẩm thủy sản khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ông Trần Đình Luân cho rằng, lãnh đạo địa phương với bộ máy mới cần quan tâm ngay việc khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC). Đây là việc cần sự nỗ lực vào cuộc rất lớn từ các cấp để trong năm 2021 có thể rút được thẻ vàng, tạo cơ hội rộng mở hơn cho thị trường xuất khẩu với sự tin tưởng vào các sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm kiện toàn lại ban chỉ đạo; cử các thành viên để thành lập Ban chỉ đạo quốc gia để thống nhất chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương thực hiện các khuyến nghị của EC.

Ban chỉ đạo mới cần tiếp cận ngay và rà soát lại những khuyến nghị sau các đoàn kiểm tra của Bộ để chấn chỉnh, thực thi đầy đủ các quy định, giúp ngành thủy sản được quản lý có tổ chức, bài bản, hệ thống để phát triển bền vững và có trách nhiệm, ông Trần Đình Luân cho biết.

Phát huy những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành thủy sản cần triển khai đồng bộ giải pháp, định hướng chiến lược, thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.

Ngành tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, cơ cấu lại đội tàu khai thác theo hướng giảm tàu khai thác gần bờ, tăng đội tàu khai thác xa bờ; giảm dần cường lực khai thác đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, tăng sản lượng nuôi trồng; tăng cường bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục