Xây dựng nông thôn mới ở An Giang: Một số chỉ tiêu đạt nhưng thiếu bền vững

13:10' - 09/10/2019
BNEWS Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, nhưng tiến độ xây dựng nông thôn mới tại An Giang thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn.

Một số chỉ tiêu tuy đạt nhưng tỷ lệ chưa cao hoặc thiếu bền vững như: Bảo hiểm y tế, môi trường, thu nhập, hộ nghèo và cơ cấu nông nghiệp của tỉnh chưa thực sự đột phá.

Mô hình nuôi cá tra theo chuổi liên kết với doanh nghiệp tại huyện Chợ Mới mở ra hướng đi mới, bền vững cho nghề nuôi cá tra ở An Giang. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Nhiều chỉ tiêu đạt nhưng thiếu bền vững

Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, đến đầu tháng 9/2019, An Giang có 54/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới đạt tỷ lệ 45,38%, bình quân toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã (tăng 8,74 tiêu chí/xã so với giai đoạn 2010 - 2015), có 11 xã đạt chuẩn trước lộ trình và toàn tỉnh không còn xã dưới 9 tiêu chí.

An Giang là tỉnh đầu tiên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, huyện Thoại Sơn là huyện nông thôn mới và hai thành phố Long Xuyên, Châu Đốc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Theo kế hoạch, đến tháng 12/2019, toàn tỉnh có thêm 7 xã đạt chuẩn, nâng tổng số lên 61/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 51,26% (tăng 48 xã so với giai đoạn 2011 - 2015) và hoàn thành mục tiêu Chương trình sớm hơn 1 năm so với lộ trình, kế hoạch của tỉnh.

Tuy đạt được nhiều thành tựu qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cũng chỉ ra một số khó khăn mà An Giang phải đối mặt trong quá trình xây dựng nông thôn mới như: chuyển dịch cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp chưa thật sự đột phá.

Việc thực hiện liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân được hình thành bước đầu đã đem lại những kết quả nhất định.

"Tuy nhiên, mối liên kết này vẫn còn thiếu tính bền vững, nhất là khi giá bán sản phẩm trên thị trường biến động theo hướng giảm thì phần thiệt hại luôn thuộc về người nông dân trực tiếp sản xuất, nên việc đầu tư tái sản xuất mở rộng quy mô còn hạn chế", ông Lâm cho biết.

Giai đoạn 2011-2019, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh An Giang khoảng 2%/năm; cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch từ 40,99% vào năm 2011 xuống còn 32,16% vào năm 2018.

Một số chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới như: bảo hiểm y tế, môi trường, thu nhập, hộ nghèo tuy đạt nhưng tỷ lệ chưa cao hoặc thiếu bền vững.

Cụ thể, đối với thu nhập với chuẩn quy định thu nhập bình quân/người là 41 triệu đồng, nhưng qua điều tra năm 2018 An Giang có 85/119 xã đạt tiêu chí thu nhập chiếm tỷ lệ 71,43%, nhưng vẫn còn 34 xã chưa đạt tiêu chí thu nhập.

Về tiêu chí hộ nghèo, đến tháng 9/2019, An Giang vẫn còn 35/119 xã chưa đạt tiêu chí hộ nghèo và chỉ có 71/119 xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm chiếm tỷ lệ 59,66%. Hiện An Giang vẫn còn 30/119 xã chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế…

Trong xây dựng nông thôn mới, vẫn còn một bộ người dân chưa thông hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chưa nhiệt tình tham gia tổ chức thực hiện, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc huy động nguồn lực trong dân có lúc gặp không ít khó khăn.

Điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội trước khi thực hiện Chương trình, tỷ lệ đạt chuẩn thấp, thiếu sự đồng đều giữa các địa phương, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, cần nguồn lực đầu tư lớn.

Chưa được đầu tư xứng tầm

An Giang có vị trí tâm điểm vùng Tứ giác Long Xuyên nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa trên nền tảng nông nghiệp. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế, chủ yếu vẫn còn ở quy mô sản xuất vừa và nhỏ, giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế chưa cao, thiếu ổn định.

Mô hình trồng rau thủy cảnh trong nhà lưới ở xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Các lĩnh vực thế mạnh như nông nghiệp, du lịch chưa được đầu tư đúng mức nên chưa khai thác hết tiềm năng kinh tế, nguồn thu còn nhiều khó khăn chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển ở địa phương.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang nhấn mạnh, tỉnh luôn nhận thức rõ việc xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn… nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

“Đây là nhiệm vụ khá nặng nề, trong điều kiện xuất phát điểm tỉnh An Giang rất thấp với trên 90% số xã đạt dưới 5 tiêu chí, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thị sản phẩm nông nghiệp bấp bênh, điều kiện ngân sách và huy động nguồn lực xã hội còn nhiều khó khan”, ông Lâm cho biết.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang, trong điều kiện tỉnh còn phải hưởng trợ cấp của trung ương, nhu cầu về vốn để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển là rất lớn.

Nên tỉnh bắt buộc phải dành 22,34% tổng nguồn vốn do cấp tỉnh quản lý, khoảng 2.860 tỷ để đầu tư cho các dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù đã dành ra 1/5 nguồn vốn, cân đối phân bổ nguồn vốn ngân sách tỉnh cho xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn chưa đáp ứng nguồn vốn để xây dựng hoàn chỉnh các công trình trường học để đạt được tiêu chí này trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, kinh tế tập thể tuy được chú trọng phát triển nhưng hiệu quả chưa cao, kinh tế trang trại, gia trại ở quy mô nhỏ; việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào nông thôn còn hạn chế, nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới chưa đáp ứng nhu cầu.

Các yếu tố khách quan như giá cả các mặt hàng nông sản, thủy sản thiếu ổn định, thị trường đầu ra đôi lúc gặp khó khăn, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gây khó khăn cho quá trình chuyển dịch cơ cấu nội ngành.

Để thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới trong điều kiện gặp nhiều khó khăm, tỉnh An Giang đã chọn bước đi, giải pháp tối ưu nhất, phù hợp với điều kiện xuất phát điểm của địa phương; trong đó, An Giang chọn xã điểm, huyện điểm chỉ đạo thực hiện để rút kinh nghiệm và nhân rộng; tập trung phát triển liên kết sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao, nhằm nâng cao thu nhập tạo sự ổn định khu vực nông thôn và tạo nguồn lực cho đầu tư xây dựng nông thôn mới trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó, tỉnh phát triển nông thôn mới gắn với việc khai thác triệt để thế mạnh của địa phương như: Phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, phát triển mới các khu, cụm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh An Giang phấn đấu có thêm 28 xã đạt được công nhận xã nông thôn mới; tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới; có ít nhất 3 xã trên huyện phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; có 75% các ấp trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn Bộ tiêu chí “Ấp nông thôn mới”.

Bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang (áo xanh) tặng hoa cho đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện tham gia ký kết giao ước thi đua thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Từ nay đến năm 2025, An Giang phấn đấu có thêm 2 đơn vị cấp huyện là huyện Chợ Mới và Châu Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Tỉnh phấn đấu có có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã nông thôn mới đạt từ 65 triệu đồng/người/năm.

Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 0,5%/năm. Tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch 95%, nước hợp vệ sinh 100%...

Để đạt các mục tiêu trên, UBND tỉnh An Giang cho biết tỉnh sẽ tập trung nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới đảm bảo tính bền vững của chương trình; tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, văn hóa, y tế,… đặc biệt là vận động xã hội hóa để tiếp tục nâng chất các công trình như: cầu, đường giao thông,.. để giảm áp lực đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Theo đó, tỉnh sẽ phát triển tạo quỹ đất gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nhằm tạo thuận lợi trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy thực hiện chương trình.

Tỉnh cũng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất…

Đặc biệt, An Giang sẽ đẩy mạnh thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; vừa giữ gìn và phát huy các giá trị những sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương; tạo việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho người dân vùng nông thôn.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là quá trình thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững.

“Để Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang tiếp tục được triển khai đồng bộ, rộng khắp, mang lại lợi ích thiết thực và thành công trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đổi mới các hình thức tổ chức kinh tế, liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể như: nâng cao vị trí, vai trò của kinh tế tập thể; xây dựng kinh tế hợp tác thành yếu tố quan trọng đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết thêm.

Ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định, An Giang sẽ ưu tiên thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, quy trình và phương pháp đào tạo cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu lao động của doanh nghiệp; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; tự làm chủ kinh tế hộ gia đình; tự lập nghiệp từ những ngành nghề đã được đào tạo... để từng bước phát triển mô hình kinh tế nông thôn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục