Lực đẩy cho nông thôn mới

15:15' - 06/10/2019
BNEWS Từ vài chục triệu đồng vốn vay Agribank đầu tiên, cùng với sự chắt chiu làm lụng, ông Thắng (Đăk Nông) đã phát triển sản xuất, đến nay đã sở hữu trang trại 40 ha cây ăn quả và cây công nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông tặng Bằng khen, Cờ thi đua cho các tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc. Ảnh: Ngọc Minh - TTXVN 

Trang trại 40 ha của gia đình ông Phạm Tấn Thắng ở thôn 3, xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông nằm sâu cuối con đường đất đỏ ngoằn ngoèo.

Người dân quanh khu vực này ai cũng biết trang trại xanh tươi, hoa quả trĩu trịt ấy là biết bao công sức của gia đình và có một "bà đỡ" là ngân hàng. 

Hơn 5 năm trước, vợ chồng ông Thắng di cư từ Đơn Dương, Lâm Đồng đến miền đất đỏ bazan với ước vọng làm giàu. 

Những ngày đầu nơi đây là vùng đất hoang sơ, cây cối cằn cỗi, chủ yếu là cà phê và cao su già cỗi cần phải tái canh. Do đó, thu nhập của gia đình ông Thắng chẳng đáng là bao.

Ông Thắng quyết định cải tạo lại mảnh đất này và đã tìm đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) để vay vốn. Ông được tiếp cận nguồn vốn Agribank với lãi suất ưu đãi dành cho phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nay là Nghị định 116/2018/NĐ-CP.

Ban đầu vay Agribank chỉ vài chục triệu đồng, rồi lên 2 tỷ đồng và hiện nay dư nợ của ông Thắng tại Agribank là hơn 7 tỷ đồng.

Từ những đồng vốn đầu tiên cùng với sự chăm chỉ, chắt chiu làm lụng, ông Thắng cứ thế phát triển sản xuất và đến nay đã có trong tay cơ ngơi rộng lớn với đủ các loại cây như: bơ, sầu riêng, hồ tiêu, cà phê...

Ông Thắng khẳng định: “Agribank tạo điều kiện giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi đã vay Agribank để phát triển sản xuất từ 8 ha và đến nay là 40 ha ở Đăk Nông”.

Câu chuyện gia đình ông Thắng không phải là trường hợp hiếm có ở Tây Nguyên vươn lên làm giàu nhờ sự hỗ trợ của nguồn vốn tam nông.

Anh Lương Văn Hiệp, ở thôn 8, xã Đăk Nia, huyện Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông cũng là người làm giàu từ trang trại của mình với bà đỡ "Agribank".

Chàng trai thế hệ 8x này đang là chủ của trang trại 28 ha với các loại cây trái đang cho thu hoạch: cà phê, chanh dây, bơ, sầu riêng, quýt giòn cho thu nhập hơn chục tỷ đồng/năm.

Anh Hiệp khẳng định, để có được trang trại như hiện nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì nguồn vốn vay rất quan trọng. Hiện tại dư nợ của anh tại Agribank là trên 4 tỷ đồng.

"Thời gian thẩm định, thủ tục vay vốn đơn giản tại Agribank đã giúp chúng tôi giảm nhiều thời gian, chi phí trong quá trình vay vốn. Đặc biệt, nguồn vốn vay được giải ngân kịp thời đã đáp ứng được nhu cầu xoay vòng vốn, từ đó giúp trang trại có nguồn tài chính để mở rộng đầu tư”, anh Hiệp nói.

Những trường hợp như gia đình ông Thắng, anh Hiệp là những tấm gương điển hình góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới.

Đây cũng là minh chứng cho thấy nguồn vốn ngân hàng đã đóng vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống người dân khu vực nông thôn, giúp họ vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Theo lãnh đạo Agribank, trong chiến lược phát triển thì những mục tiêu lớn luôn được Agribank xác định ưu tiên, đó là tiên phong thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn và là người bạn đồng hành của nông dân, nông thôn.

Không ngừng mở rộng về mạng lưới, hệ thống Agribank đặc biệt vươn tới vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn của cả nước nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn và sử dụng các dịch vụ ngân hàng của người dân trên cả nước.

Bắt đầu với 11 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2011, kết thúc giai đoạn 1 của chương trình xây dựng nông thôn mới, Agribank đã thực hiện cho vay ở tất cả các chi nhánh và đến ngày 30/9/2015, số xã có khách hàng vay vốn là 8.985/9.001 xã của cả nước.

Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của chương trình, ngày 10/8/2016, Agribank đã ký kết chương trình hợp tác số 07/CTHT-VPĐP-NHNo ngày 10/8/2016 với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, Agribank đã ban hành các văn bản chỉ đạo chi nhánh về “Triển khai chương trình hợp tác giữa văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Agribank giai đoạn 2016 - 2020”; thực hiện thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn II”.

Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong tình hình mới, ngày 23/9/2016, Agribank đã ký văn bản thỏa thuận liên ngành với Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về triển khai Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Sau gần 10 năm thực hiện cho vay thí điểm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Agribank đã triển khai cho vay xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước.

Nhìn chung, dư nợ cho vay nông thôn mới tăng trưởng tốt, nợ xấu ở mức thấp, kiểm soát được và luôn thấp hơn tỷ lệ nợ xấu chung toàn ngành.

Từ năm 2013 đến nay, tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn đạt xấp xỉ 70% tổng dư nợ, chiếm 50% trong tổng mức cấp tín dụng nông nghiệp nông thôn của toàn hệ thống ngân hàng.

Agribank đã tích cực triển khai 9 chương trình, chính sách cụ thể của Chính phủ, đặc biệt là dành hơn 487.000 tỷ đồng cho vay xây dựng nông thôn mới với gần 2,7 triệu khách hàng.

Lãnh đạo Agribank khẳng định, những kết quả đạt được từ năm 2011 đến nay trong việc đầu tư cho vay xây dựng nông thôn mới của Agribank đã góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục