Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm điều xuất khẩu

11:55' - 03/03/2019
BNEWS Mặc dù, Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân, nhưng giá trị xuất khẩu lại không cao, nhiều doanh nghiệp bị phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, chủ yếu là các nước châu Phi.
Người dân chủ động phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây điều. Ảnh: TTXVN

Nhằm tăng giá trị, thay đổi cán cân xuất nhập khẩu, ngành điều Việt Nam đang triển khai một số giải pháp; trong đó, tập trung vào xây dựng thương hiệu, đa dạng sản phẩm chế biến và mở rộng thị trường cho các dòng sản phẩm.

*Siết chặt chất lượng

Năm 2018, ngành chế biến hạt điều xuất khẩu Việt Nam đạt giá trị 3,52 tỷ USD, nhưng có đến 70% nguyên liệu chế biến phải nhập từ nước ngoài, trong nước chỉ đáp ứng được 30%.

Sau những nghịch lý về việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu quá lớn, nhưng giá trị xuất khẩu của ngành điều chưa từng sụt giảm do phụ thuộc nguyên liệu và mất chi phí tạm nhập tái xuất, ngành điều Việt Nam vẫn đặt ra mục tiêu nâng cao giá trị cho hạt điều. Toàn ngành hướng đến cùng khối lượng sản phẩm, nhưng giá trị mang lại sẽ cao hơn.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, ngành điều sẽ tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến và xuất khẩu nhân điều. Theo đó, trong năm 2019, Việt Nam sẽ xuất khẩu 350.000 tấn điều nhân, ước đạt giá trị khoảng 4 tỷ USD bằng giải pháp giảm lượng, tăng chất. Các dòng sản phẩm hạt điều chế biến sâu sẽ được các doanh nghiệp và nhà máy đầu tư, thay vì chỉ xuất khẩu điều nhân như từ trước đến nay. Bằng cách này, tỷ lệ điều chế biến của Việt Nam sẽ tăng lên 30%, gấp đôi so với tỷ lệ của 2 năm trước.

Theo ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội điều Việt Nam, cùng với việc đầu tư chất lượng hạt điều chế biến, dự kiến đến tháng 6/2019, Hiệp hội Điều Việt Nam sẽ tổ chức khảo sát thị trường Tây Á cho các doanh nghiệp. Đây là cơ hội để doanh nghiệp lựa chọn thị trường, cũng như lựa chọn dòng sản phẩm chế biến phù hợp với từng thị trường, thuận lợi hơn trong xuất khẩu.

Cho đến thời điểm này, hạt điều Việt Nam vẫn chiếm ưu thế trên thị trường quốc tế, được tín nhiệm ngay cả các thị trường nhập khẩu khó tính nhất như Mỹ, EU… Sự tín nhiệm này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp điều có thể mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cùng với việc tìm thị trường mới, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều vẫn duy trì và giữ vững các thị trường nhập khẩu điều chính của Việt Nam như Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc; trong đó, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong cơ cấu thị trường hạt điều Việt Nam, từ 35-40%.

Xu thế tiêu dùng của thị trường thế giới hiện nay là lựa chọn những sản phẩm có truy xuất nguồn gốc. Do đó, khách hàng thực sự quan tâm và lựa chọn sản phẩm của những nhà máy uy tín, kiểm soát chất lượng hạt điều chặt chẽ và phải có các chứng chỉ về chất lượng như HACCP và ISO.

* Xây dựng thương hiệu hạt điều

Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ, để sản phẩm hạt điều chế biến sâu của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường mới thuận lợi, các cơ sở doanh nghiệp và chế biến điều của Việt Nam phải quan tâm những yêu cầu và chuẩn mực của các nước nhập khẩu để cung cấp dòng sản phẩm phù hợp. Có như vậy, mới nâng cao giá trị của hạt điều Việt Nam.

Sản xuất điều xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhật Huy (Bình Dương). Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Theo ông Họa, với việc chuyển giao công nghệ chế biến điều của Việt Nam trong những năm qua, các nước khu vực châu Phi đã bắt tay vào lĩnh vực chế biến điều, giảm xuất khẩu điều nguyên liệu đi các quốc gia khác. Mặc dù chỉ mới khởi đầu nhưng đây là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến điều trong 5 năm tới.

Trong bối cảnh ngành điều sẽ còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của các quốc gia khác, ngành điều đã đặt mục tiêu siết chặt chất lượng để tăng ưu thế cạnh tranh của ngành điều Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu này, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết Hiệp hội sẽ đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ tiếp tục triển khai chương trình thương hiệu thực phẩm “hạt điều Việt Nam” ("Cashew of Vietnam") và các chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều, hỗ trợ thông tin và đào tạo, thiết kế sản phẩm của các doanh nghiệp này…

Song song với xây dựng và khẳng định thương hiệu điều Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam cũng đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu giải pháp kiểm soát các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành điều đang hoạt động tại Việt Nam. Từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp này đầu tư vào chế biến sâu, góp phần tăng tỷ lệ sản phẩm điều chế biến cho Việt Nam, thay vì chỉ kinh doanh, mua bán nguyên liệu dưới hình thức gia công.

Hạt điều Việt Nam được Hội đồng hạt khô thế giới (INC) đánh giá có chất lượng cao hơn chất lượng hạt điều nguyên liệu của các quốc gia châu Phi, thậm chí cao hơn hạt điều sản xuất tại Campuchia. Khi chỉ mua bán nguyên liệu, thì dù hạt điều Việt Nam đạt chất lượng cao hơn, giá trị hạt điều nguyên liệu bán ra vẫn không có sự chênh lệch nhiều.

Do đó, đầu tư xây dựng thương hiệu cho hạt điều Việt Nam trước hết phải xuất phát từ thương hiệu nguyên liệu. Hiệp hội Điều Việt Nam đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số cơ quan chức năng khác xây dựng thành công Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về hạt điều thô.

“Bộ tiêu chuẩn này sẽ được ban hành trong năm 2019 có tác động lớn trong việc giảm thiểu những vấn đề liên quan đến chất lượng điều thô trong thương mại. Khi nguồn nguyên liệu có thương hiệu sẽ tạo đà cho các dòng sản phẩm điều chế biến một lần nữa mang trên mình chất lượng nhân đôi.”, ông Phạm Văn Công khẳng định thêm./.

Xem thêm:

>>Ngành điều với những thách thức mới - Bài 1: Đau đáu nỗi lo nguyên liệu

>>Ngành điều với những thách thức mới - Bài 2: Thay đổi chiến lược hợp tác

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục