Ngành điều với những thách thức mới - Bài 1: Đau đáu nỗi lo nguyên liệu

19:46' - 18/11/2018
BNEWS Nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ cho chế biến hiện đang là nỗi lo của toàn ngành.
Nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ cho chế biến hiện đang là nỗi lo của toàn ngành. Ảnh minh họa: TTXVN

Năng lực chế biến của ngành điều Việt Nam hiện nay đạt 1,8 triệu tấn điều thô/năm; trong đó, các sản phẩm chế biến sâu chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điều nhân xuất khẩu ra các thị trường thế giới.

Thế nhưng, nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ cho chế biến hiện đang là nỗi lo của toàn ngành. Các quốc gia mà Việt Nam nhập điều thô ở châu Phi cũng đang “rục rịch” lập kế hoạch chế biến điều sâu, nâng cao giá trị hạt điều. Điều này đặt ra cho ngành điều Việt Nam yêu cầu cấp bách là tìm giải pháp để vượt qua những khó khăn.

Bài 1: Đau đáu nỗi lo nguyên liệu

Nguồn nguyên liệu điều thô của Việt Nam chỉ đạt 1/5 so với năng lực chế biến thực tế. Trong những năm qua, biến đổi khí hậu khiến thời tiết thất thường đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc cây điều, làm giảm năng suất, sản lượng điều cũng như nguồn nguyên liệu chất lượng. Điều này khiến cho các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu phải tìm cách xoay xở để có thể đáp ứng đơn hàng, nông dân vất vả tìm giải pháp chăm sóc để có thêm thu nhập.

*Oằn mình với sâu bệnh

Trong 8 năm qua, vì nhiều lý do, diện tích điều của Việt Nam đã giảm liên tục, từ 440.000 ha (2007) xuống chỉ còn 320.000 ha (tính đến tháng 10/2018); trong đó, diện tích điều lớn nhất tập trung tại các tỉnh khu vực Đông Nam bộ như Bình Phước, Bà Rịa Vũng tàu, Đồng Nai. Điển hình Bình Phước được mệnh danh là thủ phủ của cây điều, với diện tích 180.000 ha.

Theo các chuyên gia ngành điều, diện tích cũng như sản lượng điều giảm mạnh là do tác động của biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại trên cây điều phát triển mạnh, thoái hóa giống, kỹ thuật chăm sóc vườn cây không được đầu tư. Giá điều thế giới rơi vào thời kỳ giảm sâu trong giai đoạn 2007-2009, khiến cho nhiều người dân sẵn sàng chặt bỏ cây điều.

Trong 5 năm trở lại đây, giá điều xuất khẩu tăng mạnh đã tạo động lực lớn cho người trồng điều quay trở lại gắn bó với cây trồng này, nhưng điều này vẫn chưa đủ sức giúp các nông dân trồng điều hết mình cải tạo vườn điều. Ngoài yếu tố chủ quan của con người, người trồng điều còn đang đối mặt với những biến động khó lường của thời tiết.

Đặc biệt, trong niên vụ điều 2017-2018, hiện tượng mưa trái mùa, sâu đục thân tấn công, bọ xít muỗi làm tổ trên cây điều gây ra bệnh thán thư đã khiến nhiều vườn điều khô cành, cháy lá, suy kiệt kéo dài, năng suất điều giảm 50%, thậm chí có vườn mất trắng.

Qua nhiều năm, cây điều trở nên già cỗi, cho năng suất kém. Khi gặp thời tiết khó khăn, các vườn điều dễ bị mất mùa, giảm năng suất. Địa phương trồng điều chủ lực của cả nước như tỉnh Bình Phước cũng trở tay không kịp trước sâu bệnh hại điều.

Anh Điểu Choi, thôn Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chia sẻ, trong vụ điều 2017-2018, mưa trái mùa làm cho cây điều gặp sâu bệnh, khó cầm cự trong thời điểm ra hoa, đậu quả, vườn điều 2 ha của gia đình chỉ thu được hơn 0,7 tấn, giảm 1,3 tấn so với những niên vụ trước.

Điều mất mùa, cuộc sống gia đình anh gặp không ít khó khăn. Chính điều kiện thời tiết bất thường, sản lượng điều thô cả nước trong niên vụ 2017-2018 chỉ còn 211.000 tấn, giảm 140.000 tấn so với những niên vụ trước đó.

Ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam chia sẻ, với sản lượng điều thô của niên vụ 2017-2018 như vậy, càng khiến cho ngành chế biến điều rơi vào bế tắc hơn.

Để đủ nguyên liệu phục vụ cho chế biến, đáp ứng các đơn hàng đã được ký kết, các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường nhập khẩu thêm 1,2 triệu tấn điều thô từ các quốc gia châu Phi, kể từ tháng 3/2018 cho đến nay, thay vì chỉ nhập khẩu 1 triệu tấn như dự tính.

Thế nhưng, sự liên kết, hợp tác giữa phía Việt Nam và các quốc gia cung cấp điều nguyên liệu chưa thật sự êm xuôi. Vấn đề chất lượng điều nguyên liệu và thực hiện hợp đồng chuyển giao nguyên liệu luôn bị ách tắc trong nhiều năm qua, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam cho biết.

*Châu Phi hướng vào ngành chế biến điều

Diện tích điều trong nước suy giảm, các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam đã nỗ lực tìm giải pháp bổ sung nguồn nguyên liệu cần cho hoạt động thương mại, xuất khẩu. Thế nhưng, ngành điều vừa đối mặt với nguồn nguyên liệu trong nước thiếu hụt, chất lượng hạt điều thô nhập khẩu không như mong muốn, lại vừa phải đối mặt với một thách thức mới từ phía các quốc gia cung cấp nguyên liệu điều thô châu Phi.

Trước nhu cầu thị trường tăng cao, xuất khẩu nguyên liệu điều thô không mang lại giá trị cao cho các nước châu Phi. Vì vậy, ông Ernest Mintah Giám đốc điều hành của Hiệp hội điều châu Phi (ACA) đã kêu gọi tất cả các nước trồng điều tăng cường hoạt động chế biến điều, để giúp giảm nghèo ở châu Phi.

Châu Phi hiện là khu vực sản xuất điều thô lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% sản lượng điều toàn cầu. Với năng lực chế biến điều của các quốc gia châu Phi chưa đến 10% sản lượng hiện có cũng đã mang lại lợi nhuận và việc làm đáng kể cho những người dân ở các nước châu Phi.

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Lương thực Ghana, khi tăng chế biến sản phẩm hạt điều lên 25%, sẽ có tác động lớn đến việc giảm nghèo, tạo ra hơn 100 triệu USD thu nhập cho các hộ dân trồng điều châu Phi. Chính những dấu hiệu khả quan này, các quốc gia châu Phi đang có kế hoạch đào tạo nhân lực trong chế biến hạt điều, nhằm tạo ra sự thay đổi trong ngành công nghiệp chế biến điều châu Phi.

Ông Kennedy Osei Nyarko, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lương thực Ghana (châu Phi) cho biết, ngành nông nghiệp châu Phi không thể không đề cập đến chuỗi giá trị điều. Hạt điều mang lại nhiều lợi ích về tài chính, xã hội và kinh tế. Do đó, điều quan trọng là hoạt động sản xuất, chế biến hạt điều của châu Phi phải định hình ngày càng rõ ràng hơn.

Điển hình, ở Ghana hiện nay, điều là một trong số các loại cây trồng cho xuất khẩu nông sản phi truyền thống hàng đầu của đất nước, chiếm 53% trong tổng số 371 triệu USD từ tổng xuất khẩu nông sản phi truyền thống.

Cây điều góp phần tạo ra việc làm, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Với diện tích sản xuất ước tính khoảng 89.000 ha, cây điều đã góp phần tạo ra khoảng 40.000 việc làm trong sản xuất và 1.800 việc làm trong chế biến. Hiện có khoảng 100 huyện ở Ghana đã được xác định là phù hợp cho canh tác điều trong tương lai.

Điều này cũng đồng nghĩa, trong tương lai, Việt Nam muốn thu mua nguyên liệu điều thô phục vụ cho chế biến sẽ ngày càng khó khăn hơn. Đồng thời, Việt Nam sẽ có thêm đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực chế biến điều. Nếu không có kế hoạch cụ thể trong sản xuất điều nguyên liệu chất lượng, ngành điều Việt Nam khó giữ vững vị thế như hiện nay./.

Bài 2: Thay đổi chiến lược hợp tác

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục