Xây dựng thương hiệu tôm: Khó khăn nguồn tôm bố mẹ

10:54' - 10/04/2017
BNEWS Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm càng xanh giống tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp hàng năm đều sản xuất, cung cấp một lượng lớn tôm giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tôm bố mẹ được sử dụng tại một hộ nuôi tôm càng xanh giống ở xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu của người nuôi là ngoài việc xây dựng thương hiệu cho địa phương, người sản xuất mặt hàng này còn đang trăn trở về nguồn tôm bố mẹ để thay đổi nguồn gen và nâng cao chất lượng con giống.

Ông Trần Văn To, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lấp Vò cho biết, được hình thành từ năm 2003, chỉ khởi phát từ một hộ dân xản xuất nhỏ lẻ.

Đến thời điểm hi ện nay, trên địa bàn huyện L ấp Vò có hơn 15 hộ sản xuất, kinh doanh tôm càng xanh giống , tập trung nhiều ở các xã Vĩnh Thạnh, Mỹ An Hưng B...

Theo số liệu thống kê, mỗi năm, Lấp Vò cung ứng cho các thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận như Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu... hơn 66 triệu con tôm post.

Hiện nghề sản xuất và kinh doanh tôm càng xanh giống đã mang lại thu nhập khá cho người dân nơi đây khi giá tôm post luôn ổn định ở mức từ 130 - 180 đồng/con.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết thêm, khi lai tạo giống, khâu chọn đàn tôm bố mẹ có vai trò quyết định đến 90%.

Nếu nguồn gen tôm bố mẹ có chất lượng tốt, thuần chủng kết hợp với việc chăm sóc với những kỹ thuật khoa học sẽ giảm được lượng hao hụt đáng kể trong quá trình lai tạo.

Đặc biệt, khi tiến hành thả nuôi, tôm sẽ khoẻ và phát triển nhanh, chất lượng đồng đều hơn.

Là người có gần 10 năm sản xuất tôm càng xanh giống , ông Phạm Văn Bé , ngụ xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò chia sẻ, hiện nay, nguồn tôm được đưa vào sản xuất chủ yếu lấy từ các vùng nuôi trong tỉnh.

Trong thời gian gần đây, đàn tôm giống bắt đầu có hiện tượng cận huyết nên quá trình ương giống rất khó.

"Các hộ nuôi tôm càng xanh giống ở đây chỉ mong mỏi là sớm có được nguồn giống thuần chủng, thay thế được nguồn giống vốn đã lâu đời"- ông Bé nói.

Cũng theo ông Trần Văn To, địa phương cũng đã được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn làm nơi để thực hiện chương trình giao hoá đàn tôm bố mẹ, chọn lọc lại và cải thiện gen di truyền để cung cấp đàn tôm giống có chất lượng cho bà con trong thời gian gần nhất.

Tuy nhiên, người nuôi cần chú trọng thêm về nguồn dinh dưỡng, môi trường, môi sinh (như nước, ẩm độ, nhiệt độ và diện tích...) để tạo điều kiện tôm giống phát triển tốt sau khi đã lai tạo.

Tôm giống bố mẹ quyết định 90% vai trò trong nghề nuôi tôm, vì vậy, việc giải quyết được nguồn tôm bố mẹ là bài toán đặt ra khi người dân đang có nhu cầu xây dựng thương hiệu chung cho con tôm giống huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Điều quan trọng trước mắt là giúp người nuôi trồng tránh được nguy cơ thoái hoá giống trong thời gian tới.

>> Kế hoạch phát triển ngành tôm đến năm 2025

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục