Xe hợp đồng điện tử và taxi truyền thống sẽ có cùng niên hạn sử dụng

16:45' - 07/08/2018
BNEWS Theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, Grab car được coi là xe hợp đồng điện tử, sẽ có đồng nhất niên hạn sử dụng với xe taxi truyền thống.

Trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải vừa được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ có đưa ra niên hạn sử dụng giữa xe hợp đồng điện tử và taxi truyền thống là như nhau.

Cụ thể, với xe taxi, phải có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm, không được sử dụng xe cải tạo từ xe lớn hơn 9 chỗ xuống dưới 9 chỗ hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ trở lên để kinh doanh taxi.

Lý do sửa đổi quy định này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thời gian qua, một số đơn vị kinh doanh vận tải đề xuất sử dụng phương tiện được cải tạo từ xe 16 chỗ thành xe 9 chỗ để hoạt động taxi.

Trên thực tế, các phương tiện taxi và xe hợp đồng điện tử hoạt động chủ yếu trong khu vực nội thành, tần suất hoạt động dày, diện tích chiếm dụng mặt đường lớn, không phù hợp với hạ tầng giao thông tại khu vực này.

Vì vậy, nếu tập trung một số lượng lớn các phương tiện hoạt động trong khu vực nội thành, nội thị sẽ gây ra ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Tương tự, xe hợp đồng điện tử, dưới 9 chỗ ngồi cũng phải có niên hạn sử dụng không quá 12 năm, không dùng xe hoán cải từ nhiều chỗ xuống 9 chỗ để vận tải hành khách.

Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng mới được sử dụng xe ô tô dưới 9 chỗ để kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử.

“Điều kiện này nhằm đảm bảo công bằng xe hợp đồng xe taxi, do đối tượng này có tính chất, phạm vi hoạt động, sức chứa phương tiện giống xe taxi. Sau 2 năm thí điểm hoạt động của xe hợp đồng điện tử tuy đã đạt được kết quả nhất định nhưng cũng phát sinh vấn đề, điều kiện kinh doanh chưa tương đồng, dẫn tới đấu tranh, khiếu nại giữa các đơn vị.

Do đó, dự thảo đưa điều kiện 2 loại hình tương đương nhau, để đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa hai đối tượng này”, Bộ Giao thông Vận tải nêu quan điểm.

Dự thảo cũng bổ sung quy định mới đối với việc quản lý, sử dụng hợp đồng vận tải điện tử; quy định về trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện ứng dụng hợp đồng vận tải điện tử; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa đổi mới công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí vận tải.

Như vậy, theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, Grab car được coi là xe hợp đồng điện tử, sẽ có đồng nhất niên hạn sử dụng với xe taxi truyền thống.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất quy định xe buýt phải có sức chứa từ 12 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mạng lưới xe buýt trong tương lai. Đồng thời, giao trách nhiệm cho Bộ Giao thông Vận tải quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với xe buýt hoạt động trong phạm vi đô thị.

Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định, xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh) và không quá 12 năm tại các địa phương khác. Trong khi đó, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, hiện nay loại hình Uber và Grab thực chất là xe cá nhân và không quy định niên hạn xe./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục