Bộ GTVT sẽ sớm triển khai các hạng mục nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam

19:10' - 29/03/2018
BNEWS Sau khi có kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3 vừa qua, Bộ GTVT sẽ cập nhật lại các thông số, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định quy hoạch lại đối với sân bay Tân Sơn Nhất.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp báo định kỳ Quý I/2018 của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra chiều 29/3. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Tại cuộc họp báo định kỳ Quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2018 do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức chiều 29/3, nhiều vấn đề nóng đã được Bộ thông tin như vấn đề triển khải xây dựng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sự kiện Grab thâu tóm Uber, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải…
Về vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho hay, ngày 28/3 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải trên cơ sở nghiên cứu của Tư Công ty tư vấn ADPI (Pháp). Theo đó, sẽ cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất với quy mô khoảng 50 triệu lượt hành khách/năm theo hướng về phía Nam.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, việc cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất bao gồm các hạng mục như: sân đỗ, nhà ga và tuyến giao thông kết nối. Đây sẽ là những hạng mục để nâng cao năng lực cho sân bay Tân Sơn Nhất. Một vấn đề đặt ra là sân bay Quốc tế Long Thành đến năm 2025 mới đưa vào sử dụng, do đó vấn đề quá tải sân bay Tân Sơn Nhất là rất hiện hữu.

Vì vậy, phải nâng cao được tối đa năng lực của sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian tới. Trên cơ sở hạ tầng là hai đường băng hiện tại sẽ xác định lại quy mô của sân bay Tân Sơn Nhất là đáp ứng đủ nhu cầu cho 50 triệu lượt khách/năm nếu như tổ chức quản lý, khai thác tốt.
“Về phía Bộ Giao thông Vận tải, sau khi có kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3 vừa qua, Bộ sẽ cập nhật lại các thông số, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định quy hoạch lại đối với sân bay Tân Sơn Nhất. Tiếp theo, Bộ Giao thông Vận tải sẽ lập dự án để chuẩn bị đầu tư các hạng mục đã được nêu trên. Thời gian thực hiện các hạng mục này sẽ phải thực hiện sớm nhất, khẩn trương nhất”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.
Về tổng vốn khái toán khoảng 18.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay, trước tiên sẽ sử dụng nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và có thể kêu gọi các nhà đầu tư khác vào các hạng mục thích hợp.
Về sự kiện Grab thâu tóm Uber, đại diện Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện các bộ, ngành liên quan, cụ thể là Bộ Công Thương đã có ý kiến về vấn đề này. Cụ thể, Cục Quản lý cạnh tranh đã có văn bản yêu cầu Grab cung cấp các thông tin về hợp đồng mua bán giữa Grab và Uber. Về phía Bộ Giao thông Vận tải đang theo sát để phối hợp với bộ, ngành đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan và người tiêu dùng.
Nói rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc Grab mua Uber là hoạt động của các doanh nghiệp được điều chỉnh theo Luật doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có quyền tư do mua bán, sáp nhập, mua cổ phần của các doanh nghiệp khác. Đây không chỉ là quy định có Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đã cho phép.
Việc Grab mua Uber cũng đã đặt ra những lo ngại mà các cơ quan báo chí đã nêu thời gian gần đây, đặc biệt là có thể xảy ra độc quyền. Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Giao thông Vận tải là Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, hiện tại không phải chỉ có Uber và Grab hoạt động theo mô hình taxi công nghệ mà sau hai năm Bộ Giao thông Vận tải cho thực hiện thí điểm hoạt động này đã có 10 doanh nghiệp hoạt động theo hình thức đó.

Hiện tại, các hãng taxi trong nước cũng có nhiều đơn vị đã sử dụng phần mềm kết nối để hoạt động vận tải. Do đó, việc cạnh tranh của Uber, Grab sẽ không còn khi được sáp nhập với nhau, nhưng sự cạnh tranh với các đơn vị cung cấp công nghệ thông tin là vẫn còn và phải tuân thủ các quy định của Luật Cạnh tranh.
“Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước, các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải phải nghiên cứu để đưa vào văn bản luật để quản lý chặt chẽ loại hình này đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như môi trường cạnh tranh lành mạnh”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Về vấn đề cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện rà soát các thủ tục không phù hợp. Nhưng việc cắt giảm các thủ tục của ngành hiện đang được quy định tại các Nghị định, Thông tư đang có hiệu lực, do đó cần phải sửa các văn bản pháp luật thì khi đó mới thực hiện được việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh không phù hợp.
“Về thủ tục, việc các giảm các thủ tục trong lĩnh vực giao thông vận tải sẽ được gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, sẽ phải xin ý kiến tham vấn cộng đồng, các doanh nghiệp. Sau khi có ý kiến này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu tiếp thu để hoàn tất báo cáo Chính phủ số liệu cuối cùng những thủ tục sẽ được cắt giảm”, Thứ trưởng Đông thông tin./.

>>> Thường trực Chính phủ thống nhất phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục