Xét nghiệm nhanh đang được thực hiện khu vực nào ở Hà Nội?

15:15' - 03/04/2020
BNEWS Xét nghiệm nhanh hỗ trợ rất lớn cho việc chẩn đoán và triển khai nhanh chóng kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID -19.

Liên quan đến việc 6/6 mẫu dương tính với virus SARS - CoV - 2 phát hiện qua test nhanh trong mấy ngày qua tại các trạm di động trên địa bàn Hà Nội đều cho kết quả âm tính khi xét nghiệm khẳng định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết:

Xét nghiệm nhanh hỗ trợ rất lớn cho việc chẩn đoán và triển khai nhanh chóng kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID -19. Tuy nhiên để khẳng định có nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cần phải sử dụng thêm kỹ thuật xét nghiệm Realtime PCR.

Những ngày vừa qua, thành phố Hà Nội đã triển khai test nhanh sàng lọc người nghi nhiễm, người đang thuộc diện cách ly có tiền sử dịch tễ đi, đến, ở khu vực có ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, qua test nhanh phát hiện 6 mẫu dương tính với virus SARS-CoV-2. Các trường hợp dương tính sau test nhanh được xét nghiệm khẳng định bằng Realtime PCR có độ chính xác đạt 100%, kết quả 6 trường hợp này đều âm tính.

Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, việc test nhanh có ý nghĩa quan trọng để sàng lọc, phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ để cách ly y tế kịp thời. Test nhanh có 2 loại, 1 loại là phân loại kháng nguyên, 1 loại là phân loại kháng thể.

Kháng thể là chất cơ thể sinh ra để chống lại các tác nhân virus, phải có thời gian nhất định thì mới có kháng thể. Khi có kháng thể có nghĩa là cơ thể có thể đã xuất hiện virus xâm nhập, lúc đó máu mới kích thích để sản sinh ra kháng thể và là dấu hiệu cảnh báo để chúng ta sàng lọc.

Khi nồng độ kháng thể đủ lớn thì test mới phát hiện được nhiễm bệnh, còn nếu thấp quá thì cũng chưa phát hiện được nhiễm bệnh. Chính vì vậy, nếu test nhanh có kết quả là dương tính thì cần tiếp tục xét nghiệm khẳng định bằng Realtime PCR.

Đối với các trường hợp sau khi test nhanh cho kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2, ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo, nếu trường hợp tiếp xúc nguồn nhiễm bệnh dưới 7 ngày mà kết quả âm tính thì chưa khẳng định được là có nhiễm bệnh hay không và cần tiếp tục cách ly tại nhà, khoảng 5 - 7 ngày sau tiến hành xét nghiệm lại.

Trường hợp tiếp xúc nguồn nhiễm bệnh từ 7 ngày trở lên mà xét nghiệm âm tính về cơ bản có thể yên tâm, nhưng nguyên tắc vẫn phải tiếp tục cách ly 14 ngày theo quy định và khi có biểu hiện ho, sốt cần báo cho nhân viên y tế tại địa phương để thực hiện xét nghiệm. Như vậy, mục tiêu của xét nghiệm nhanh là phát hiện các trường hợp nghi ngờ để thành phố tổ chức cách ly y tế - tách các trường hợp nhiễm bệnh, xét nghiệm khẳng định, điều trị kịp thời, xử lý ổ dịch, tránh lây lan rộng ra cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, hiện  nay, thành phố Hà Nội mới sử dụng bộ test nhập khẩu từ Hàn Quốc tài trợ để triển khai xét nghiệm nhanh tại các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa và huyện Thanh Oai là những đơn vị có nhiều đối tượng tiền sử dịch tế đi, đến, ở khu vực có ổ dịch, cụ thể là Bệnh viện Bạch Mai.

Thời gian tới, nếu có điều kiện, có thêm nhiều bộ test nhanh, thành phố Hà Nội sẽ triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn thành phố để công tác phòng chống dịch bệnh COVID -19 đạt hiệu quả cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục