Xét xử hai nguyên lãnh đạo TP Đà Nẵng: Hành vi của các bị can gây bất bình đẳng cho DN

12:01' - 07/01/2020
BNEWS Đại diện Viện Kiểm sát đã khẳng định, các chủ trương, quyết định trái pháp luật của các bị cáo đã gây ra sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Các bị cáo nghe đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án . Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Sáng 7/1, trong phần tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hai bị cáo nguyên là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và đồng phạm về các tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, đại diện Viện Kiểm sát đã khẳng định, các chủ trương, quyết định trái pháp luật của các bị cáo đã gây ra sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong một thời gian liên tục và kéo dài.

Đại diện Viện Kiểm sát đã căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết luận giám định tư pháp, kết quả xét hỏi công khai tại phiên tòa để đưa ra kết luận: Bị cáo Trần Văn Minh, với cương vị là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã có các hành vi: ký ban hành các văn bản, quyết định có nội dung thực hiện chủ trương khai thác quỹ đất và bán nhà công sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trái quy định.

Cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất, giảm hệ số sinh lời; đồng ý giá đề xuất bán không đúng quy định của các sở, ngành; chuyển đổi tên nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật; có nhiều bút phê trực tiếp vào các Tờ trình, kết luận chỉ đạo tại các cuộc họp giao ban giữa Chủ tịch và các Phó Chủ tịch để giải quyết thủ tục, quy trình bán nhà công sản trái quy định…

Từ đó, các bị cáo là cán bộ cấp dưới của bị cáo Minh đã tiếp nhận sự chỉ đạo trái pháp luật này để tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện hoàn thiện các thủ tục pháp lý trái pháp luật, nhanh chóng hoàn thành hồ sơ để giúp Phan Văn Anh Vũ và các Công ty của Vũ trong thời gian dài, liên tục được mua, nhận quyền chuyển nhượng 22 nhà, đất công sản và 7 dự án đất ở các vị trí đắc địa mặt đường Bạch Đằng, Lê Duẩn, Trần Phú, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học... hoặc các dự án ven biển như Dự án 29 ha khu đô thị quốc tế Đa Phước, dự án Phú Gia Compound... tại thành phố Đà Nẵng, với giá rẻ hơn nhiều lần giá trị thực của tài sản.

Từ những mối quan hệ thân quen giữa bị cáo Vũ với cán bộ, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã có những đề xuất với chính quyền Đà Nẵng trong việc xin mua nhà công sản và nhận giao đất Dự án, những đề xuất này được bị cáo Trần Văn Minh và các đồng phạm đồng phạm tiếp nhận ý chí, để chỉ đạo tổ chức thực hiện quy trình, hoàn thiện thủ tục pháp lý trái với quy định nhà nước, qua đó đã giúp Phan Văn Anh Vũ hưởng lợi cá nhân và làm thiệt hại đặc biệt lớn cho ngân sách Nhà nước.

Điển hình là tại Dự án 29 ha Khu đô thị Quốc tế Đa Phước, theo quy định của pháp luật về đất đai, khi giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với các trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê phải theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Việc xác định giá đất của Nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng giá đất cụ thể tại địa phương trình HĐND cùng cấp cho ý kiến trước khi quyết định.

Bị cáo Trần Văn Minh đã ký Thỏa thuận nguyên tắc quyết định chủ trương sau đó Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng và Hội đồng thẩm định giá đất thành phố Đà Nẵng tham mưu, đề xuất đơn giá 300.000 đồng/m2 đối với diện tích 29ha nêu trên.

Tài liệu điều tra xác định giá đất tại thời điểm đó là hơn 5 triệu đồng/m2, nhưng Phan Văn Anh Vũ chỉ phải nộp số tiền 87 tỷ đồng theo đơn giá 300.000 đồng/m2 và được nhận quyền sử dụng đất không qua đấu giá đối với diện tích 29 ha nêu trên.

Kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương xác định: Từ chủ trương, quyết định trái pháp luật này của bị cáo Trần Văn Minh đã gây thiệt hại cho Nhà nước tại dự án này số tiền là hơn 11.235 tỷ đồng.

Công tố viên cho rằng, mặc dù tại Cơ quan điều tra, cũng như tại phiên tòa bị cáo Phan Văn Anh Vũ vẫn ngoan cố, không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng với tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi các bị cáo tại phiên tòa có đủ căn cứ xác định: Bị cáo Phan Văn Anh Vũ và các doanh nghiệp của bị cáo Vũ không thuộc diện được chỉ định mua nhà đất công sản nhưng bị cáo Vũ đã lợi dụng mối quan hệ thân quen với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trong đó có bị cáo Trần Văn Minh để đề nghị được mua chỉ định một số nhà đất công sản.

Ngoài ra bị cáo Vũ còn liên hệ, bàn bạc, thống nhất với một số giám đốc công ty đủ điều kiện mua chỉ định đứng tên xin mua nhà công sản, xin giảm hệ số sinh lợi để ăn chia lợi ích với nhau, sau đó Vũ nộp tiền đặt cọc trước khi có các Quyết định cho phép bán nhà, chuyển tiền cho các công ty này nộp tiền mua nhà đất và các Công ty này có văn bản đề nghị thay đổi tên người nhận quyền sử dụng đất sang cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ hoặc các doanh nghiệp của Vũ trái quy định của pháp luật.

Mặc dù vậy, được sự tiếp tay của các bị cáo là cán bộ, lãnh đạo của UBND thành phố Đà Nẵng, bị cáo Vũ đã được hoàn tất thủ tục mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng nhà công sản, đất dự án làm mất lòng tin của nhân dân vào cơ quan quản lý Nhà nước tại thành phố Đà Nẵng. Hành vi của các bị cáo đã tạo nên sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong một thời gian liên tục và kéo dài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục