Xét xử vụ án cố ý làm trái quy định tại Navibank: Đề nghị thu hồi hơn 24 tỷ đồng

17:38' - 12/03/2018
BNEWS Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử thu hồi số tiền hơn 24 tỷ đồng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng mà Huỳnh Thị Huyền Như đã chuyển cho các bị cáo ở Navibank để xung công quỹ Nhà nước.
Xét xử vụ án cố ý làm trái quy định tại Navibank: Đề nghị thu hồi hơn 24 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Thành Chung - TTXVN

Ngày 12/3, phiên tòa sơ thẩm xét xử 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục với phần luận tội và đề nghị mức án của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, cáo trạng vụ án xác định, từ ngày 19/11/2010 đến ngày 27/5/2011, các bị cáo là thành viên Hội đồng tín dụng của Navibank đã ký biên bản đồng ý cấp tín dụng cho 14 nhân viên số tiền 1.543 tỷ đồng để các nhân viên gửi vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè lấy lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng.

Tổng số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng được Huyền Như trả là hơn 24 tỷ đồng, trong đó có hơn 15 tỷ đồng chuyển đến tài khoản của Huỳnh Vĩnh Phát (nguyên Trưởng Phòng Kế toán), giao bằng tiền mặt hơn 9 tỷ đồng cho Đoàn Đăng Luật (nguyên Trưởng Phòng Nguồn vốn).

Hành vi của các bị cáo đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lợi dụng chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank.

Tại phiên tòa, các bị cáo cho rằng làm theo chủ trương; hành vi theo Luật các tổ chức tín dụng là không cấm; không vi phạm Thông tư 02 và Quyết định 1627 của Ngân hàng Nhà nước...

Theo đại diện Viện Kiểm sát, lời khai này của các bị cáo không phù hợp với tài liệu chứng cứ trong quá trình điều tra đã được kiểm tra tại phiên tòa; không phù hợp với chính lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra và các lời khai của những người liên quan; không phù hợp với kết luận tại các bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (hiện bản án này đã có hiệu lực pháp luật, không có kháng nghị).

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, đã đủ cơ sở xác định, các bị cáo vì muốn nhận lãi suất cao hơn thị trường liên ngân hàng và nhận thêm lãi suất ngoài nên đã cấp tín dụng cho 14 nhân viên để các nhân viên gửi tiền vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè.

Cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người đúng tội. Hành vi của các bị cáo đã bị Huyền Như lợi dụng chiếm đoạt 200 tỷ đồng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý về kinh tế của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng và phần nào đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2011.

Do đó cần thiết áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo mới có tác dụng răn đe và đáp ứng công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay.

Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án từ 14 – 15 năm tù đối với nguyên Tổng Giám đốc Lê Quang Trí; từ 12 – 13 tù đối với Đoàn Đăng Luật, Huỳnh Vĩnh Phát, Trần Thanh Bình (nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng doanh nghiệp) và nguyên Phó Tổng giám đốc Nguyễn Giang Nam; từ 10 – 11 năm tù đối với nguyên Phó Tổng Giám đốc Cao Kim Sơn Cương và Nguyễn Hùng Sơn; từ 9 – 10 năm tù đối với Đinh Thị Đoan Trang (nguyên Trưởng Phòng Dịch vụ khách hàng) và từ 8 – 9 năm tù đối với hai bị cáo Phạm Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng Phòng Pháp chế) và Nguyễn Ngọc Oanh (nguyên Trưởng Phòng Quản lý rủi ro) cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử thu hồi số tiền hơn 24 tỷ đồng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng mà Huỳnh Thị Huyền Như đã chuyển cho các bị cáo ở Navibank (nay là Ngân hàng Quốc Dân – NCB) để xung công quỹ Nhà nước.

Sau khi đề nghị án, phiên tòa bước sang phần bào chữa của các luật sư.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục