Xét xử vụ án tại Navibank: Tạm dừng xét xử để bổ sung tài liệu

14:18' - 07/03/2018
BNEWS Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo tạm dừng phiên tòa xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Ngân hàng Navibank.
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Navibank hầu tòa (sáng 28/2). Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Sau 5 ngày xét xử sơ thẩm, trưa 7/3, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo tạm dừng phiên tòa xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Ngân hàng Navibank và gây thiệt hại cho ngân hàng này 200 tỷ đồng.

Theo Hội đồng xét xử, lý do tạm dừng phiên tòa là để chờ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bổ sung tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án mà không cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Cụ thể, Hội đồng xét xử yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bổ sung bản sao bản án hình sự sơ thẩm ngày 27/1/2014 và bản sao bản án hình sự phúc thẩm ngày 7/1/2015 của vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bản sao kê tài khoản của 4 chủ tài khoản liên quan đến 200 tỷ đồng của nhân viên Navibank gửi tại VietinBank và một số tài liệu khác.

10 bị cáo hầu tòa nguyên là cán bộ Navibank gồm: Nguyên Tổng Giám đốc Lê Quang Trí; các nguyên Phó Tổng Giám đốc Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hùng Sơn; Trần Thanh Bình (nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng doanh nghiệp), Đinh Thị Đoan Trang (nguyên Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng), Phạm Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng phòng Pháp chế), Nguyễn Ngọc Oanh (nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro), Huỳnh Vĩnh Phát (nguyên Trưởng phòng Kế toán) và Đoàn Đăng Luật (nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn).

Trong những ngày xét xử vừa qua, 9/10 bị cáo đều kêu oan, cho rằng hành vi của mình theo Luật các tổ chức tín dụng là không cấm; các bị cáo “không liên quan” đến Huỳnh Thị Huyền Như, chỉ làm theo chủ trương, bản thân không hưởng lợi cá nhân.

Theo cáo trạng, từ ngày 19/11/2010 đến ngày 27/5/2011, các bị cáo là thành viên Hội đồng tín dụng của Navibank đã ký biên bản đồng ý cấp tín dụng cho 14 nhân viên số tiền 1.543 tỷ đồng để các nhân viên gửi vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè lấy lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng.

Tổng số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng được Huyền Như trả là hơn 24 tỷ đồng, trong đó có hơn 15 tỷ đồng chuyển đến tài khoản của Huỳnh Vĩnh Phát, giao bằng tiền mặt hơn 9 tỷ đồng cho Đoàn Đăng Luật. Hành vi của các bị cáo đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lợi dụng chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank.

Dự kiến, phiên tòa mở lại vào ngày 12/3./.

>>> Khởi tố 2 vụ án xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục