Xét xử Vụ án tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn: Xét hỏi các bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn
Tiếp tục phiên tòa xét xử Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), ngày 9/12, Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát đã xét hỏi các bị cáo. Đáng chú ý là các bị cáo nguyên là lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Theo cáo trạng, Viện Kiểm sát truy tố các bị cáo: Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố), Phan Trường Sơn (nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc), Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng Phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND Thành phố), Trần Quốc Đạt (nguyên Phó trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng), Lê Tấn Hòa (nguyên chuyên viên Sở Xây dựng) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Dự án khu nhà ở tại khu đất diện tích hơn 36.000m2 (Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9 cũ, Thành phố Hồ Chí Minh) chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng, Tổng Công ty SAGRI chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn tại dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng bị cáo Lê Tấn Hùng vẫn chỉ đạo cán bộ cấp dưới hoàn thiện các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng dự án. Bị cáo Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh) và các bị cáo liên quan là cán bộ, lãnh đạo tại Sở Xây dựng và Văn phòng UBND Thành phố là những người có trách nhiệm thẩm định, rà soát tính pháp lý của dự án. Các bị cáo biết việc Tổng Công ty SAGRI đề nghị chuyển nhượng dự án là trái pháp luật, nhưng vẫn trình bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố ký quyết định chấp thuận cho Tổng Công ty SAGRI được chuyển nhượng dự án cho Tổng Công ty Phong Phú. Sau đó, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến đã đồng ý và ký Quyết định số 6077/QĐ-UBND chấp thuận cho chuyển nhượng dự án. Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, khi làm Phó Chủ tịch UBND Thành phố, ông không được phân công phụ trách mảng nông nghiệp, trong đó có Tổng Công ty SAGRI. Từ năm 2008 đã có quá trình hợp tác dự án nhà ở giữa Tổng Công ty Phong Phú và SAGRI, bị cáo không phụ trách dự án này. Về quyết định đồng ý cho SAGRI chuyển nhượng dự án cho Phong Phú, bị cáo Tuyến thừa nhận mình là người ký. Bị cáo Tuyến khẳng định, trước khi ký quyết định, chỉ biết đến hồ sơ này vào ngày 9/11/2017 khi SAGRI gửi hồ sơ đến UBND Thành phố Hồ Chí Minh để xin phép. Khi nhận được tờ trình về chuyển nhượng này, ông có ký vào văn bản là xem xét kỹ. 5 ngày sau nhận lại được báo cáo dự án có trong danh mục được chuyển nhượng, bị cáo đã ký quyết định mà không báo cáo Thường trực Ủy ban. Về việc ký quyết định cho chuyển nhượng, bị cáo Tuyến cho rằng, do đã có kiểm tra, lại đúng thẩm quyền nên đã ký. Tuy nhiên, sau khi ký xong, bị cáo không nhận lại được báo cáo về quá trình thực hiện việc chuyển nhượng do không phụ trách mảng nông nghiệp và SAGRI. Việc báo cáo cụ thể tiến độ này do một Phó Chủ tịch khác phụ trách và theo quy định, mảng của Phó Chủ tịch nào phụ trách, Phó Chủ tịch đấy sẽ được báo cáo và theo dõi, ký thay Chủ tịch UBND Thành phố. Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận mình có chủ quan, không kiểm tra sau này nên để SAGRI thoái vốn không đúng quy định của pháp luật. Đại diện Viện Kiểm sát xét hỏi: “Khi được Hội đồng thẩm định trình hồ sơ lên bị cáo, cùng với đề xuất của Văn phòng UBND Thành phố, bị cáo có quyền từ chối ký quyết định không?”. Bị cáo Tuyến trình bày thực tế ban đầu đã từ chối ký. 5 ngày sau, bị cáo kiểm tra lại và thấy rằng không có lý do gì để không ký. Bởi, việc chuyển nhượng sẽ theo Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, riêng phần vốn không nằm trong chi phối này. Sau khi có Quyết định số 6077/QĐ-UBND, SAGRI mới thực hiện các chủ trương về thoái vốn. "Nếu bị cáo làm hết trách nhiệm, kiểm tra đôn đốc các sở, ngành hướng dẫn SAGRI thoái vốn đúng quy định thì hôm nay đã không đứng đây" - bị cáo Tuyến nói. Theo bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, thời điểm ký Quyết định số 6077/QĐ-UBND, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có hai Phó Chủ tịch và ông đang phụ trách hai mảng. Bị cáo thấy rằng mình thiếu trách nhiệm. Trả lời câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát, động cơ bị cáo ký Quyết định số 6077/QĐ-UBND có phải là nể nang, khi bị cáo Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI là em trai nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải hay không, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến khẳng định hoàn toàn đúng. Bị cáo Tuyến trình bày: “Có sự nể nang. Nhưng đây là vấn đề đạo đức, bởi không ai không nể nang người tiền nhiệm hết. Nhưng không bao giờ có chuyện vì nể nang, biết sai mà vẫn ký. Đó là sự ngu dốt chứ không phải là nể nang. Đối với bất cứ hồ sơ nào của ông Hùng, đều có sự tôn trọng với anh Hai (tức ông Lê Thanh Hải -PV)”. Bị cáo Trần Trọng Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng thành phố cho rằng, có những chứng cứ pháp lý và căn cứ quy định pháp luật để khẳng định bị cáo không vi phạm. Bị cáo Tuấn trình bày, trước đây, việc triển khai dự án nhà ở tại Khu phố 4, phường Phước Long B phù hợp với chiến lược, chức năng của SAGRI. Tuy nhiên, năm 2013, UBND Thành phố phê duyệt đề án tái cơ cấu SAGRI, theo đó SAGRI chỉ kinh doanh nông nghiệp, không có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Vì lẽ đó, SAGRI chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư dự án bất động sản theo quy định. Bị cáo Tuấn nói đây là cơ sở pháp luật không được nêu trong cáo trạng. Theo bị cáo Tuấn, Hội đồng thẩm định dự án không có thẩm quyền thẩm định, tham mưu việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Trong nội dung xin chuyển nhượng bất động sản, không có nội dung chuyển nhượng vốn. Đối với việc chuyển nhượng dự án, phải chuyển nhượng hết những gì đang đầu tư dở dang và chuyển nhượng dự án nhà ở thì phải gắn liền với quyền sử dụng đất. Bị cáo Trần Trọng Tuấn khẳng định mình đã làm đầy đủ trách nhiệm. Khi kiểm tra lại hồ sơ, bị cáo thấy mình còn thiếu sót trong tờ trình gửi UBND Thành phố ban hành Quyết định chấp thuận cho chuyển nhượng dự án nhưng thiếu sót này không làm thay đổi bản chất hồ sơ chuyển nhượng dự án./.
Tin liên quan
-
Kinh tế và pháp luật
Vụ Phan Văn Anh Vũ đưa hối lộ: Cả 3 bị cáo đều không kháng cáo
14:58' - 09/12/2021
Trước đó, trong 2 ngày 5-6/11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo nhận hối lộ của Phan Văn Anh Vũ.
-
Kinh tế và pháp luật
Lào Cai triệt phá chuyên án ma túy, bắt 1 đối tượng, thu giữ 2 bánh heroin
07:46' - 09/12/2021
Công an huyện Văn Bàn, Công an tỉnh Lào Cai vừa triệt phá thành công chuyên án mang bí số 121Q; bắt giữ 1 đối tượng về hành vi vận chuyển và mua bán trái phép chất ma tuý.
-
Kinh tế và pháp luật
Trộm đồng hồ 3,5 tỷ đồng, giúp việc lĩnh 3 năm tù
17:06' - 08/12/2021
Ngày 8/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Thị Phương Lâm (sinh năm 1983, quê Lâm Thao, Phú Thọ) 3 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế và pháp luật
Google đối mặt nhiều cuộc điều tra chống độc quyền
07:00'
Cơ quan Cạnh tranh Canada đã đệ đơn kiện lên Tòa án Cạnh tranh, cáo buộc Google lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.
-
Kinh tế và pháp luật
Các trường hợp khóa tạm thời, khóa vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội
14:13' - 29/11/2024
Nghị định 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định các trường hợp khóa tạm thời, khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung.
-
Kinh tế và pháp luật
Truy tố ổ nhóm cho vay lãi nặng ở Hà Nội
10:26' - 29/11/2024
Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố nhóm 3 đối tượng chuyên cho vay lãi nặng gồm: Lê Văn Hưng, Vũ Quốc Anh, Nguyễn Thanh Bình.
-
Kinh tế và pháp luật
Quy định về tạm giữ phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ
15:10' - 28/11/2024
Việc xử lý phương tiện, đồ vật, tài liệu,... của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
-
Kinh tế và pháp luật
Tiền lương làm thêm giờ ngày lễ, Tết được tính thế nào?
13:06' - 28/11/2024
Người lao động đi làm vào ngày nghỉ dịp Tết Nguyên đán 2025 được trả số tiền lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
-
Kinh tế và pháp luật
Quy định mới về tốc độ xe cơ giới, xe chuyên dùng có hiệu lực từ 1/1/2025
09:10' - 28/11/2024
Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 38/2024/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ.
-
Kinh tế và pháp luật
Quy định về đăng ký cư trú cho người chưa thành niên
21:29' - 27/11/2024
Ngày 26/11, Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
-
Kinh tế và pháp luật
Bắt Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh và thuộc cấp do nhận hối lộ
18:27' - 27/11/2024
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố, bắt tạm giam Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh và Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan về tội "Nhận hối lộ"
-
Kinh tế và pháp luật
Cảnh báo bẫy lừa đảo khi mua vé concert "Anh trai"
18:04' - 27/11/2024
Công an thành phố Hà Nội vừa phát đi cảnh báo về việc người dân cần tỉnh táo để tránh bị lừa đảo khi mua vé các chương trình âm nhạc thông qua các giao dịch, bài đăng trong hội nhóm trên mạng xã hội.