Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Làm rõ quan điểm về việc xử lý tài sản bị thu giữ, kê biên trong vụ án

20:09' - 01/10/2024
BNEWS Ngày 1/10, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB).

Ngày 1/10, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần đặt câu hỏi của Hội đồng xét xử đối với các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để làm rõ quan điểm về việc xử lý tài sản bị thu giữ, kê biên trong vụ án.

Trả lời chủ tọa phiên tòa, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Bitexco (Tập đoàn Bitexco) thừa nhận có nhận 15.712 tỷ đồng từ bị cáo Trương Mỹ Lan để thực hiện triển khai Dự án Khu Tứ Giác Bến Thành. Hiện dòng tiền này đã được hòa nhập vào hoạt động của tập đoàn để trực tiếp thanh toán hoặc chuyển cho công ty con trong tập đoàn để hoàn trả các khoản vay ngân hàng, công nợ với nhà thầu, nhà cung cấp, tư vấn của Bitexco và các công ty con đã phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng của Dự án Khu Tứ Giác Bến Thành và một số dự án khác trong Tập đoàn Bitexco. Ngoài ra, Tập đoàn Bitexco còn dùng số tiền trên để chi trả cho hoạt động, chi đầu tư, chi phí quản lý chung của tập đoàn và các công ty con.

Tập đoàn Bitexco có ý kiến tại tòa không thu hồi số tiền 15.712 tỷ đồng vì đây là quan hệ dân sự giữa các bên. Tập đoàn Bitexco cũng khẳng định nhận số tiền nêu trên một cách hợp pháp và hoàn toàn không biết số tiền này có liên quan đến vụ án hay không.

 
Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan đồng ý tất cả các tài sản sẽ được ưu tiên thi hành cho các bị hại như Bản án giai đoạn 1 đã kết luận. Về nguồn tiền, nguồn tài sản để khắc phục hậu quả vụ án, bị cáo Lan cho biết sẽ sử dụng toàn bộ tài sản đã bị kê biên, thu giữ, nộp lại trong cả hai giai đoạn của vụ án. Về cách xử lý tài sản để khắc phục hậu quả, bị cáo đề nghị Cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo chức năng, thẩm quyền để sớm thu hồi tiền trả lại cho người bị hại.

Về Dự án 6A tại huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh), Trương Mỹ Lan cho biết dự án này không đảm bảo cho bất kỳ khoản vay nào và trước đó được Công ty Hoàng Quân định giá hơn 16.000 tỷ đồng. Trương Mỹ Lan đề nghị Ngân hàng SCB trả lại Dự án 6A cùng 65 tài sản khác cho gia đình bị cáo để có cơ chế xử lý, ưu tiên khắc phục hậu quả cho nhà đầu tư trái phiếu. Hiện, Lan đã được luật sư bào chữa cung cấp phụ lục số 4-10 trong hồ sơ vụ án để nghiên cứu, tìm phương án xử lý tài sản và sau đó luật sư sẽ tổng hợp bằng văn bản gửi Hội đồng xét xử.

Liên quan đến Dự án Tứ Giác Bến Thành với Tập đoàn Bitexco, Trương Mỹ Lan cho rằng có thỏa thuận miệng với Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bitexco về việc bị cáo Lan sẽ tìm đối tác chuyển nhượng dự án với giá 22.000 tỷ đồng, trong đó bản thân bị cáo Lan đã nhiều lần chuyển cho Bitexco tổng số tiền 7.000 tỷ đồng. Sau này, Lan có nói với phía Bitexco là nếu bán dự án cho ai thì cho bị cáo xin lại 7.000 tỷ đồng và 30% giá trị của 7.000 tỷ đồng đó. Trương Mỹ Lan đề nghị Hội đồng xét xử hỗ trợ bị cáo thu hồi số tiền này để khắc phục hậu quả vụ án.

Đối với trái phiếu Sunny World, Trương Mỹ Lan cho biết số trái phiếu này là của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội vì Ngân hàng này là bên đã nhận mua toàn bộ gói trái phiếu đó và sử dụng số tiền từ việc phát hành trái phiếu. Do đó, Lan đề nghị Hội đồng xét xử xem xét buộc Ngân hàng này trả lại toàn bộ số tiền của gói trái phiếu.

Cũng trong phiên xét xử hôm nay, bị cáo Trương Mỹ Lan thừa nhận toàn bộ trách nhiệm về việc chuyển trái phép số tiền 4,5 tỷ USD ra nước ngoài và hứa dùng toàn bộ tài sản của bản thân để khắc phục hậu quả vụ án, trong đó có khoản thiệt hại của hơn 35.000 nhà đầu tư trái phiếu. Tính đến thời điểm hiện tại, số tiền nộp khắc phục hậu quả trong vụ án Vạn Thịnh Phát là 474 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục