Xin chữ thư pháp – nét đẹp văn hóa năm mới của người Việt

14:30' - 12/02/2024
BNEWS Câu nói “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng” gói gọn toàn bộ thú chơi ngày Tết của người Việt xưa, trong đó nhấn mạnh thú chơi chữ thư pháp đứng hàng đầu.

Xin chữ đầu năm là truyền thống, nét văn hóa lâu đời của dân tộc. Trong ngày đầu xuân năm mới, hình ảnh những thầy đồ với áo the, khăn xếp mài mực tàu, uyển chuyển từng nét chữ trên giấy đỏ cho thấy truyền thống ấy, nét đẹp ấy đã ăn sâu trong tiềm thức con người và được người dân tiếp tục gìn giữ, phát triển.

 

Câu nói “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng” gói gọn toàn bộ thú chơi ngày Tết của người Việt xưa, trong đó nhấn mạnh thú chơi chữ thư pháp đứng hàng đầu. Sẵn yếu tố hình họa bởi sử dụng chữ Hán, chữ Nôm, vốn mang tính tượng hình, tranh chữ thư pháp còn mang ý nghĩa chúc tụng, giáo dục của người cho chữ và người xin chữ.

Là người gắn bó với nghệ thuật thư pháp nhiều năm, ông Vũ Văn Tuần, Chủ tịch Câu lạc bộ thư pháp Trí Đức, thành phố Nam Định giải thích, việc cho chữ thư pháp được thực hiện quanh năm, nhưng đầu xuân năm mới việc cho chữ mới rộn ràng. Xưa kia ông cha quan niệm, đầu năm tìm đến những thầy đồ, những người hiểu biết thâm sâu để xin chữ với mong muốn răn dạy con cái về tính hiếu học, tích cực học hành, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức.

Bởi thế, trong các thú chơi nghệ thuật thì chơi chữ là khó nhất và cũng là thanh cao nhất. Người cho chữ là người có tâm, có đạo, có đức và có cốt cách cao thượng. Cái đẹp của chữ nghĩa không chỉ là cái đẹp của đường nét, bố cục mà còn là cái đẹp của sự kết hợp hài hoà giữa thư – nhạc – họa, tâm – trí – khí.

Trong thư pháp có 5 lối viết (thư thể) bao gồm triện, lệ, khải, hành, thảo. Triện thư là kiểu chữ thư pháp cổ, lệ thư là kiểu chữ giản lược hơn triện thư. Hai kiểu này được sử dụng nhiều trong khi viết hoành thư, câu đối.

Khải thư mang tính quy phạm hơn, dễ viết hơn nhưng vẫn phải đảm bảo nét chữ chỉnh tề. Đây là dòng thư pháp được mọi người quen nhất, sử dụng nhiều nhất. Thảo thư có bút pháp phóng khoáng hơn cả, nét chữ bay bổng, mềm mại nhưng lại là lối khó viết nhất. Hành thư là lối chữ bắt nguồn từ thảo thư nhưng giản lược hơn, dễ hiểu hơn.

Trong viết chữ thư pháp, người viết phải sử dụng nhiều kỹ thuật điêu luyện, sử dụng cổ tay uyển chuyển tạo nên những nét chữ mềm mại hay mạnh mẽ tùy theo nội dung, ý nghĩa của chữ, câu đối nhưng vẫn đảm bảo bố cục hài hòa, bắt mắt đường nét thanh thoát, đậm nhạt như một bức tranh. Do đó, để trở thành người cho chữ thư pháp đòi hỏi người học phải nắm vững phương pháp cấu tạo của chữ, hiểu được một số quy luật ngữ âm học của chữ đồng thời phải có sự khổ luyện và liên tục.

Thú chơi chữ thư pháp vừa thể hiện sự ngưỡng mộ với những người có nét chữ tài ba, vừa thể hiện ước mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân. Những người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Nhẫn, Đạt; người buôn bán xin chữ Lộc, Tín, Phát Tài; người đi làm xin chữ Danh, Bình an; gia đình thường xin chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tâm…

Tại Nam Định, với mong muốn gìn giữ truyền thống, nét đẹp thư pháp của dân tộc, truyền cảm hứng và tình yêu thư pháp cho mỗi người, năm 2005, Câu lạc bộ Trí Đức thư pháp Nam Định được thành lập. Đến nay câu lạc bộ thu hút được hơn 20 thành viên tham gia ở các lứa tuổi, ngành nghề; từ những người cao tuổi, lão thành cách mạng, bác sĩ, hoạ sĩ, giáo viên, bộ đội, công chức đến các bạn sinh viên...

Ngoài việc giao lưu, học hỏi lẫn nhau, các thành viên trong câu lạc bộ cũng tham gia hoạt động cho chữ ở các lễ hội, sự kiện lan tỏa tình yêu thư pháp đến mọi người.

Ngoài ra, tại huyện Hải Hậu, hiện có Câu lạc bộ Hán Nôm Quần Anh với khoảng 100 thành viên, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ có biên soạn giáo trình giảng dạy, nội dung thiết thực, phù hợp với quá trình học của các học viên… Ngoài học chữ cơ bản, các học viên còn được học viết thư pháp, viết hoành phi câu đối, khắc chữ trên tranh gỗ, tranh dân gian, đồng thời khám phá những tư liệu về dịch thuật, phục vụ việc nghiên cứu văn học Hán Nôm trong đời sống.

Thực tế cho thấy, những bức thư pháp hiện nay được thương mại hóa dẫn đến thực trạng xuất hiện nhiều “ông đồ dởm”. Do đó, cơ quan quản lý văn hoá cần có chính sách, quy định, cơ chế cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thư pháp (truyền bá và học tập) để hoạt động thư pháp có cơ sở pháp lý đào tạo từ cơ bản đến nâng cao, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cần tuyển chọn những người có năng lực trình độ viết thư pháp tốt tham gia vào việc phục chế tại các di tích văn hoá, lịch sử, quản lý một cách chặt chẽ để hoạt động viết chữ ngày càng được nâng cao về chất lượng nội dung, thẩm mỹ, gìn giữ văn hóa lâu đời của dân tộc, đồng thời phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục