Xóa dần điểm nghẽn đất đai, hình thành cụm kinh doanh nông sản

15:39' - 03/11/2023
BNEWS Sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL, hạn chế phổ biến, lập lại nhiều năm qua nói chung và An Giang nói riêng là diện tích nhỏ, sản xuất phân tán, không đồng nhất; liên kết yếu dễ "bẻ kèo".

Ngày 3/11, Hội Nông dân tỉnh An Giang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức "Diễn đàn Kết nối cung cầu thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh An Giang" với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và 100 nông dân đến từ 11 huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh An Giang.

 

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, trong 3 năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi tại Đồng bằng sông Cửu Long chuyển dịch từ cây lúa sang đối tượng có lợi cao; canh tác từ thâm canh sang thâm canh cao hơn, từ ít liên kết sang liên kết nhiều, từ sản xuất thô sang chế biến. Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất, kinh doanh vẫn còn thấp.

Riêng lĩnh vực lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long trong 2 năm 2020 – 2021 ở 6 tỉnh trồng lúa chủ lực mới có 25% nông dân tham gia tổ hợp tác hoặc hợp tác xã; 15% lượng lúa tiêu thụ có hợp đồng; 10% áp dụng quy trình kỹ thuật (GAP, SRP, 1P5G,…). Tại An Giang, hiện trạng liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản trong 2 năm (2021 – 2022) kết nối, hợp đồng với doanh nghiệp về cây lúa 10% diện tích, rau màu 15, trái cây 30% diện tích.

Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân cho rằng, sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, hạn chế phổ biến, lập lại nhiều năm qua nói chung và An Giang nói riêng là diện tích nhỏ, sản xuất phân tán, không đồng nhất; liên kết yếu dễ "bẻ kèo"; chất lượng, an toàn, chế biến không có "lý lịch", thông tin nguồn gốc…

Để việc liên kết sản xuất hiệu quả, bền vững theo Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, các địa phương cần hình thành cụm kinh doanh nông sản; trong đó, nông dân phải liên kết từ dịch vụ đầu vào đến sản phẩm bán ra, thông qua hợp tác xã bán ra cho thương lái hoặc chế biến sản phẩm để bán ra thị trường trong nước và thị trường nước ngoài ổn định.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giai đoạn hiện nay, thực hiện liên kết sản xuất và tiên thụ nông sản đang được tỉnh đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng trong sản xuất, gia tăng giá trị hàng hóa, tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Thời gian qua, ngành nông nghiệp An Giang đã đẩy mạnh thực hiện liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp để phát triển bền vững.

Ngành nông nghiệp An Giang cũng đã thay đổi tư duy, tập quán canh tác, nâng cao lợi ích của các bên tham gia chuỗi giá trị, nhất là đối với nông dân. Qua đó, tỉnh đã có những định hướng, giải pháp cụ thể thúc đẩy liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực các hợp tác xã để trở thành một mắt xích quan trọng trong việc gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, An Giang cũng đã đẩy mạnh phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết, phát huy được tiềm năng thế mạnh địa phương.

Theo thống kê, đến cuối tháng 10/2023, toàn tỉnh An Giang có 63 hợp tác xã nông nghiệp, 2 Liên hiệp hợp tác xã và 180 tổ hợp tác thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, diện tích liên kết gần 124.000 ha. Các doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản là những doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Agimex, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lương thực Tấn Vương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thạnh An, Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Thạnh, Công ty SunRice,…

Ngành nông nghiệp An Giang cũng hỗ trợ 7 doanh nghiệp là các Tập đoàn lớn như Lộc Trời, Tân Long, TH, Vingroup, Tiran, Công ty Sunrice, Nafoods Group ký kết thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh An Giang và 9 doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để triển khai các dự án đầu tư và thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực với hợp tác xã, tổ hợp tác tại các địa phương; trong đó, Tập đoàn Lộc Trời thực hiện các mô hình ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa bằng hình thức đầu tư nhiều máy và thiết bị như 38 máy gặt đập liên hợp, 19 máy cày, 23 máy cuộn rơm, 70 máy bay phun xịt (drone) phục vụ các dịch vụ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã nông nghiệp.

Để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cho rằng, giải pháp then chốt là thực hiện tốt việc liên kết theo chuỗi giá trị, đặc biệt gắn kết giữa người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Các chuyên gia cảnh báo biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh hơn đối với nông nghiệp; trong đó, ngành nông nghiệp An Giang đã và đang bị ảnh hưởng. Vì vậy, nông dân cần đổi mới tư duy, chuyển đổi "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp" để hướng tới sản xuất nông nghiệp theo đặt hàng của doanh nghiệp, theo nhu cầu của thị trường.

Nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh An Giang mà trọng tâm là hỗ trợ gắn hợp tác xã liên kết bền vững với doanh nghiệp theo nhu cầu thị trường, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, tỉnh sẽ xoá dần điểm nghẽn đất đai manh mún, quy mô nhỏ lẻ, sản xuất tự phát; xây dựng cánh đồng lớn có sự tham gia liên kết, đầu tư từ doanh nghiệp; hình thành các cụm liên kết ngành hàng, xây dựng các thoả thuận hợp tác - liên kết cấp huyện, liên huyện, cấp tỉnh.

"Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ; đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao cho cánh đồng liên kết sản xuất, đặc biệt là thiết kế lại đồng ruộng để thuận lợi cho cơ giới hóa; hình thành, phát triển các vùng chuyên canh có diện tích lớn", ông Lâm cho biết.

Là đơn vị liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực tại An Giang, đặc biệt là liên kết thực hiện đề án 1 triệu tấn lúa, ông Võ Văn Vang, Giám đốc vùng An Giang - Tập đoàn Lộc Trời đề xuất địa phương hỗ trợ đẩy mạnh tuyên truyền và vận động hợp tác xã, nông dân tuân thủ quy trình liên kết; phối hợp xây dựng tiêu chí lựa chọn liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã và nông dân để mở rộng quy mô gắn với đề án 1 triệu ha lúa; hỗ trợ cho các hợp tác xã tiếp cận được các chính sách của nhà nước; làm việc với các ngân hàng, tổ chức tín dụng đảm bảo cung cấp đủ nguồn vốn vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân đầu tư sản xuất.

Tại diễn đàn, nông dân An Giang cũng đã dành cho các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp nhiều câu hỏi xung quanh các vấn đề làm thế nào để lợi ích giữa nông dân - doanh nghiệp được hài hòa, liên kết đạt mục tiêu nông dân có lời, doanh nghiệp phải có lợi, môi trường, sinh thái được đảm bảo…

Các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp cũng đã giải đáp thỏa đáng thắc mắc của nông dân; trong đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn tiếp tục liên kết, nâng diện tích trồng lúa vụ Đông Xuân 2023 – 2024 tại An Giang lên 120.000 ha.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục