Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ “lên ngôi”

18:11' - 01/07/2019
BNEWS Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã có những động thái hoặc “đánh tiếng” về việc nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trong tháng Sáu đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng. Ảnh minh hoạ: AFP

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, tình trạng căng thẳng thương mại chưa lắng dịu, những quan ngại về tiến trình Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) không suôn sẻ, các bất ổn địa chính trị tiếp tục gia tăng…, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã có những động thái hoặc “đánh tiếng” về việc nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn.

*Từ các nền kinh tế “đầu tàu"

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trong tháng Sáu đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong nước trước tình trạng kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy giảm tăng trưởng do tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Kết thúc cuộc họp thường kỳ kéo dài hai ngày (19-20/6), Hội đồng Chính sách BoJ đã quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn ở mức gần 0%, đồng thời không thay đổi chương trình mua tài sản.

Trong báo cáo công bố sau cuộc họp, BoJ khẳng định nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng ở mức độ vừa phải, cho dù sự suy giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế khác đang tác động tiêu cực tới kim ngạch xuất khẩu và sản lượng công nghiệp của nước này.

Tuy nhiên, BoJ vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải theo dõi chặt chẽ các tác động của sự suy giảm ở các nền kinh tế khác tới tâm lý của giới doanh nghiệp và hộ gia đình ở Nhật Bản.

Cùng chung quan điểm, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) thông báo giữ nguyên lãi suất ở mức 0,75%, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng khả năng nước Anh rời Liên minh châu Âu mà không có một thỏa thuận nào đã gia tăng kể từ tháng Năm.

Theo BoE, kể từ cuộc họp trước đó của ngân hàng này, những nguy cơ đối với đà tăng trưởng kinh tế của "xứ sở sương mù" đã gia tăng, trong khi căng thẳng thương mại trên toàn cầu không có dấu hiệu suy giảm.

Các số liệu kinh tế gần đây của Anh cũng không mấy lạc quan, chủ yếu do những tác động của Brexit đối với các thị trường tài chính và doanh nghiệp nước này.

Trong cuộc họp chính sách được chờ đợi nhất kết thúc hôm 19/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tuyên bố giữ nguyên mức lãi suất cơ bản từ 2,25-2,5%, đồng thời cho biết sẽ chỉ cắt giảm lãi suất trong vài tháng tới nếu “thể trạng” của nền kinh tế Mỹ có tín hiệu xấu đi.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng xung đột thương mại và tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại đã khiến nhiều quan chức Fed cảm thấy khả năng hạ lãi suất được củng cố, song hầu hết ý kiến mong muốn chờ thêm các số liệu kinh tế trước khi đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất.

Trong khi giới phân tích nhận định, Fed sẽ đưa ra quyết định hạ lãi suất đầu tiên trong gần một thập niên trong cuộc họp thường kỳ tháng Bảy.

Sau cuộc họp trên của Fed, ông Powell khẳng định chính sách tiền tệ của Mỹ có thể sớm trở nên “thích ứng” hơn, song khuyến cáo rằng điều quan trọng là thể chế tài chính này không được phản ứng quá mạnh khi mới có ít số liệu kinh tế hay một biến động niềm tin trong ngắn hạn.    

Còn tại châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi phát đi tín hiệu về khả năng giảm lãi suất hơn nữa cùng những biện pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Tại cuộc họp thường niên của ECB ở Sintra, Bồ Đào Nha, ông Draghi nói rằng việc cắt lãi suất sâu hơn cùng những biện pháp ngăn chặn bất kỳ "tác dụng phụ" nào của chính sách trên vẫn là một trong số các công cụ của ECB.

Ngoài ra, ông Draghi cũng nói rằng trong trường hợp không có sự cải thiện giúp lạm phát đạt được mức mục tiêu 2% như ECB đề ra, ngân hàng trung ương này sẽ phải tiến hành những biện pháp kích thích bổ sung, như tái khởi động chương trình "nới lỏng định lượng" có tổng giá trị lên tới 2.600 tỷ euro (2.900 tỷ USD) trong giai đoạn 2015 - 2018.

Ông Draghi cũng kêu gọi các Chính phủ hợp tác chặt chẽ hơn và xây dựng những thể chế chung của Eurozone, như liên minh ngân hàng và liên minh thị trường vốn để đảm bảo đà tăng trưởng của nền kinh tế được duy trì.

*Đến một số nền kinh tế G20

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 69 năm thành lập Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) hồi giữa tháng Sáu, Thống đốc BoK Lee Ju-yeol đã để ngỏ khả năng giảm lãi suất cơ bản trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chưa có lối thoát, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có những “biện pháp hợp lý” nhằm đối phó với các điều kiện kinh tế đang thay đổi.

Theo ông Lee Ju-yeol, Hàn Quốc phải xúc tiến các biện pháp đối phó với những rủi ro bên ngoài, như xung đột thương mại Mỹ-Trung và nhu cầu trên thị trường sản phẩm chất bán dẫn đang chững lại.

Ngoài ra, ông Lee Ju-yeol đề nghị phải theo dõi sát sao xu hướng của các thay đổi kinh tế sắp tới và tác động của chúng.

Về phần mình, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI - ngân hàng trung ương) đã quyết định hạ lãi suất trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại đáng kể, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao nhất trong hàng chục năm qua.

Cụ thể, RBI cho biết lãi suất cho vay đối với các ngân hàng thương mại sẽ được giảm 25 điểm cơ bản xuống còn 5,75%.

Tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại hiện là mối quan ngại lớn đối với Chính phủ Ấn Độ. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2019 chỉ đạt 5,8%, mức thấp nhất trong 5 năm.

GDP của Ấn Độ trong tài khóa 2018-2019 (kết thúc vào tháng 3/2019) tăng 6,8%, thấp hơn so với mục tiêu 7,2% mà Chính phủ đề ra.

Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA - ngân hàng trung ương) lần đầu tiên trong lịch sử đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm, xuống mức thấp kỷ lục 1,25%, chấm dứt một loạt đồn đoán và những hành động đầu cơ liên tục diễn ra trong vài tuần trước đó trên thị trường tài chính.

Mặc dù đây là lần điều chỉnh chính sách lãi suất đầu tiên của RBA kể từ tháng 8/2016. song đây là động thái được giới chuyên gia và các nhà đầu tư trông đợi.

Trong thời gian tới, RBA sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thị trường lao động và có các động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ tiếp theo phù hợp yêu cầu hỗ trợ tăng trưởng bền vững và theo đuổi mục tiêu lạm phát.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán RBA sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng Tám tới với mức giảm là 0,25 điểm phần trăm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục