Xu hướng phát triển của ngành bán lẻ thế giới

05:30' - 27/03/2019
BNEWS Những chiến lược kinh doanh đề cao trách nhiệm với môi trường đang ngày càng được các nhà bán lẻ quan tâm bởi chúng vừa góp phần giúp công ty điều tiết chi phí lại đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhân viên Amazon đóng gói hàng hóa trước khi giao cho khách hàng. Ảnh: AFP/TTXVN

Từng được coi là một yếu tố bên lề làm gia tăng chi phí hoạt động, những chiến lược kinh doanh đề cao trách nhiệm với môi trường đang ngày càng được các nhà bán lẻ quan tâm bởi chúng không chỉ góp phần giúp công ty điều tiết chi phí mà còn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

* Bền vững là xu hướng

Tháng 9/2018, công ty bán lẻ trực tuyến ngành hàng mỹ phẩm Adore Beauty của Australia đã cài đặt phần mềm quản lý kho mới nhằm cắt giảm lượng bao bì sử dụng thông qua phương pháp tính toán thể tích. Kate Morris, CEO và người sáng lập Adore Beauty, cho biết dự án lớn này được lên kế hoạch và thử nghiệm trong tám tháng trước khi bắt đầu triển khai.

Để sử dụng phương pháp tính toán thể tích, họ cần quét hơn 13.000 sản phẩm để nhập các thông số về kích thước và trọng lượng vào hệ thống. Sau đó, phần mềm sẽ tính toán hộp nào nhỏ nhất có thể được sử dụng để đóng gói mỗi đơn hàng.

Theo bà Morris, biện pháp này cho phép công ty tiết kiệm đáng kể bao bì gói hàng, được làm bằng vật liệu tái chế. Trên thực tế, việc các hộp đóng hàng trở nên rẻ hơn và chiếm ít không gian hơn cũng góp phần làm giảm chi phí vận chuyển của công ty. 

Kho hàng hoạt động hiệu quả hơn bởi mỗi xe tải giờ đây có thể chứa được nhiều hàng hóa khi chúng được đóng gói một cách hợp lý. Bên cạnh đó, CEO của công ty có trụ sở tại Melbourne này cũng bày tỏ ý định lắp đặt hệ thống điện năng lượng Mặt Trời tại nơi làm việc và mong muốn cắt giảm sử dụng các sản phẩm từ nhựa.

Julie Mathers, nhà sáng lập Flora & Fauna – công ty bán lẻ trực tuyến các sản phẩm không thử nghiệm trên động vật và thuần chay tại Australia cũng có nhiều ý tưởng thân thiện với môi trường. 

Trong số đó là việc cung cấp cho khách hàng lựa chọn đóng gói tối thiểu khi thanh toán. Tùy chọn này được giới thiệu vào cuối năm 2017 khi một số khách hàng cho biết họ chỉ cần nhận được sản phẩm mà không cần chèn nhiều giấy lót hay các mẫu dùng thử.

Bà Mathers cho hay ngay khi triển khai tính năng trên, khoảng 40% khách hàng đã lựa chọn hình thức bao bì tối thiểu và giờ đây con số này lên đến hơn 95%. Việc này giúp công ty giảm được 17 tấn vật liệu đóng gói cho đến nay.

* Động lực từ khách hàng

Theo một khảo sát của Hiệp hội Thương mại du lịch Vương quốc Anh ABTA, hơn 1/3 (36%) số người được hỏi cho biết những thành tích trong nỗ lực bảo vệ môi trường sẽ quyết định sự lựa chọn thương hiệu của họ. Con số này tăng từ mức 23% trong năm 2014.

Báo cáo của Deloitte về triển vọng ngành bán lẻ toàn cầu 2019 cũng nhận định, người tiêu dùng ngày càng mong đợi các công ty phải có trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững, minh bạch, đồng thời giảm lượng khí thải carbon.

Bà Mathers cho rằng khách hàng ngày nay là thế hệ millennial, những người sinh từ năm 1981 đến 1996 (23-38 tuổi trong năm 2019), và dần dần trong vài năm tới họ sẽ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong giới tiêu dùng. 

Những người trẻ ngày càng quan tâm đến các giá trị và họ muốn cộng tác, làm việc hoặc giao dịch mua sắm với các doanh nghiệp mà các giá trị của thương hiệu đó phù hợp với những giá trị mà họ tin tưởng.

Việc nâng cao nhận thức về hiểm họa đối với môi trường, trực tiếp tham gia hay có hành động góp phần làm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh… đang lan rộng trong cộng đồng nói chung và lĩnh vực thương mại điện tử - bán lẻ nói riêng. 

Xu hướng này được dự báo sẽ lan rộng trong những năm tới khi ngày càng có nhiều quốc gia, doanh nghiệp cam kết chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải toàn cầu cùng với áp lực từ phía người tiêu dùng gia tăng.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu khách hàng hay doanh nghiệp, ai sẵn sàng thay đổi và “chịu chi” cho sự thay đổi này? Mục tiêu bền vững trong khâu đóng gói hàng hóa, cụ thể là việc sản xuất, sử dụng và tái chế bao bì đang là vấn đề hóc búa đối với các công ty thương mại điện tử.

Năm 2018, “người khổng lồ” bán lẻ trực tuyến Amazon đã giảm dần việc đóng hàng bằng giấy carton để thay thế bằng bao bì nylon nhẹ, giúp tăng số lượng đơn hàng vận chuyển trên mỗi xe tải hay máy bay. Là nền tảng thực hiện 50% số giao dịch thương mại điện tử trong năm 2018, theo eMarketer, Amazon là đơn vị vận chuyển hàng hóa lớn và cũng là nguồn gốc của lượng bao bì thải ra hàng đầu hiện nay.

Bên cạnh giá thành rẻ, việc sử dụng bao bì nylon đang khá phổ biến. Chúng chiếm ít không gian trong container và xe tải hơn hộp carton nên giúp hoạt động vận chuyển hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc sản xuất, sử dụng và tiêu hủy màng nhựa tạo ra ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính hơn, tiêu thụ ít nhiên liệu hơn so với chất liệu carton tái chế.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường cảnh báo các bao bì bằng nylon này đang gây ra những tác động tiêu cực. Các bao bì này không thể tái chế trong các thùng rác tái chế ở lề đường mà cần được tách riêng. 

Nếu chúng bị lẫn với rác thải có thể tái chế khác thì có thể làm tắc cả hệ thống. Đặc biệt là trong các mùa lễ hội, thời điểm bận rộn nhất của ngành thương mại điện tử, số đơn hàng tăng gấp bội và tạo ra lượng bao bì thải ra khổng lồ.

Các nhà vận động kêu gọi Amazon - với vị trí dẫn đầu ngành bán lẻ trực tuyến - cần hành động tích cực hơn trong việc khuyến khích người tiêu dùng tái chế các bao bì nylon bằng cách cung cấp thêm thông tin hướng dẫn về các địa điểm phân loại và tái chế./.

                

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục