Xử lý các tiêu cực, biến tướng trong lễ hội đầu xuân

11:13' - 19/02/2019
BNEWS Đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống; xem bói, gieo quẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch... là những biến tướng còn tồn tại trong các lễ hội đầu xuân hiện nay.
Ở chùa Phúc Khánh, quận Đống Đa, Hà Nội, số lượng các gia đình đăng ký dâng sao, giải hạn năm nào cũng rất đông, với lệ phí 150 nghìn đồng cho một lễ giải sao, lễ cầu an là 200 nghìn đồng/nhà. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 19/2 cho biết: Cục Văn hóa cơ sở đã ban hành công văn số 73/VHCS-NSVH gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động lễ hội đầu Xuân.

Công văn nêu rõ: Về cơ bản, các lễ hội đầu xuân Kỷ Hợi diễn ra an toàn, lành mạnh, đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và du khách trên địa bàn cả nước. Các tỉnh, thành phố đã có những chỉ đạo kiên quyết, kịp thời và đảm bảo các điều kiện an toàn cho người tham gia lễ hội.

Tuy nhiên, qua theo dõi lễ hội và hoạt động tín ngưỡng tại di tích một số tỉnh, thành phố cho thấy vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục. Điển hình như hiện tượng kinh doanh dịch vụ hàng hóa trong khuôn viên di tích; biến tướng trong hoạt động cúng, dâng sao giải hạn, lợi dụng nhu cầu chính đáng của người dân để trục lợi...

Ngoài ra còn có các hiện tượng tiêu cực như đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống; xem bói, gieo quẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch; tăng giá dịch vụ bán hàng, trông giữ xe vào di tích và lễ hội; đốt nhiều đồ mã, vàng mã tại các di tích, đền, phủ; ùn tắc giao thông, mất an toàn trên sông, nước; vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bày bán thịt động vật hoang dã... vẫn xuất hiện tại một số lễ hội, di tích.

Để thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, Công văn số 323/BVHTTDL-VHCS ngày 23/1/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch , Sở Văn hóa, Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tham mưu, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hiện tượng nêu trên, báo cáo về Cục Văn hóa cơ sở trước ngày 30/3/2019 để tổng hợp tình hình quản lý hoạt động lễ hội năm 2019.

Trước thực trạng xuất hiện những tiêu cực, biến tướng trong mùa lễ hội năm nay, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cũng cho rằng: Biến tướng trong hoạt động cúng, dâng sao giải hạn đang trở nên ngày càng trầm trọng. Mong ước chính đáng của người dân đang bị lợi dụng và bị biến thành nhiều hoạt động, loại hình dịch vụ mang tính trục lợi.

Bởi lẽ, con người ai cũng có những nhu cầu hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó cũng là một phần lý do mà nhiều người dân đã tìm đến các lễ hội, di tích đình, đền, chùa dịp đầu năm để cầu mong may mắn. Tuy vậy, nếu để đạt được thỏa nguyện, đạt được mong ước mà chỉ trông chờ may rủi bằng việc cúng sao giải hạn thì hoàn toàn không đúng với giáo lý nhà Phật như các Thượng tọa, Hòa thượng và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo đã phân tích…/.

>>> Lễ hội Phết Hiền Quan sẽ dừng hoạt động đánh phết

>>> Độc đáo Lễ hội thổi cơm làng Thị Cấm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục