Xử lý nợ xấu: M&A công cụ đắc lực (Bài 1)

16:12' - 14/09/2015
BNEWS Trong khi, VAMC chưa xử lý nợ xấu thực sự hiệu quả, hoạt động M&A ngân hàng dường như đang trở thành một công cụ xử lý nợ xấu và giữ ổn định hệ thống ngân hàng khá đắc lực.

Trái với nhiều kỳ vọng, sau hơn 2 năm hoạt động, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới thu hồi, phát mại được khoảng 8.670 tỉ đồng nợ xấu, chiếm 5% tổng số nợ xấu mà VAMC mua được từ các ngân hàng. Vì vậy, hoạt động M&A ngân hàng dường như đang trở thành một công cụ xử lý nợ xấu và giữ ổn định hệ thống ngân hàng khá đắc lực và hiệu quả.

Mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng là một công cụ khá đắc lực trong xử lý nợ xấu ngân hàng, bởi nó cho phép các ngân hàng thêm cơ hội mở rộng quy mô, thị phần, mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, cải thiện năng lực tài chính, chi phí kinh doanh, sức cạnh tranh, hình thành tập đoàn đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

VAMC mới thu hồi, phát mại được khoảng 8.670 tỉ đồng nợ xấu. Ảnh: TTXVN

M&A có tác dụng giảm nhanh nợ xấu không chỉ trực tiếp nhờ nguồn vốn và tiềm lực tài chính của ngân hàng mạnh “mở hầu bao” giúp thanh toán nợ xấu, mà còn giúp giảm nợ xấu về kỹ thuật dù quy mô nợ xấu không đổi, nhưng được tính trên một tổng dư nợ tín dụng mới “hậu M&A”.

Tuy nhiên, thậm chí có thể khiến ngân hàng nhận sáp nhập bị tăng nợ xấu từ nợ kế thừa của ngân hàng đối tác, như đã xảy ra với SHB 1 năm sau khi sáp nhập Habubank.…

Để các hoạt động M&A mang tính chủ động và tích cực, giảm thiểu nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, thâu tóm thị trường và những hệ lụy có thể, cần chú ý phát triển các dịch vụ thông tin, môi giới và tư vấn hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp cho hoạt động M&A và giải quyết hậu M&A.

Bản thân các ngân hàng trong nước cần tăng hiểu biết cơ bản về M&A; chủ động sử dụng dịch vụ của các công ty tư vấn, môi giới trong xác định tín nhiệm và định giá; thẩm định giá trị và hồ sơ pháp lý, thông tin về thị trường và đối tác, tránh tình trạng bị ép giá, bị lừa đảo và bị “hớ “do thiếu kỹ năng, hiểu biết và thông tin...

Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống các văn bản pháp lý liên quan điều chỉnh hoạt động M&A; quán triệt nguyên tắc dứt điểm, kiên quyết, đồng bộ và có tầm nhìn xa, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động M&A nói riêng, năng lực giám sát và cảnh báo rủi ro hệ thống sớm; xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo, sự thiếu công khai minh bạch trong các ngân hàng thương mại.

Cùng đó, gắn với tiến trình thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước và yêu cầu về quy mô vốn đối với mỗi ngân hàng thương mại; kiểm soát chặt chẽ phân loại nợ và trích lập rủi ro của các ngân hàng thương mại, bảo đảm đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo thông lệ quốc tế.

M&A công cụ đắc lực để giải quyết nợ xấu. Ảnh minh họa: TTXVN

Đồng thời tăng cường vai trò can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm tiến trình tái cơ cấu kịp thời và hiệu quả.

Áp lực “làm sạch và tự làm sạch” nợ xấu của các ngân hàng thương mại trong nước đã, đang và sẽ được thúc đẩy nhờ Ngân hàng Nhà nước kiên quyết triển khai ngày càng đồng bộ và quyết liệt hơn các giải pháp hợp nhất, sáp nhập hoặc tự tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém theo từng đợt và “chùm” ngân hàng thương mại vừa qua.

Theo tinh thần Ðề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn giai đoạn 2 tái cơ cấu, M&A và xử lý nợ xấu theo cả 3 kênh. 

Thứ nhất, mua lại ngân hàng với giá 0 đồng (như đã thực hiện với ngân 3 ngân hàng Xây dựng, ngân hàng Oceanbank và ngân hàng GPBank;

Thứ hai, đang thực hiện biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng Đông Á);

Thứ ba, thúc đẩy M&A trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với lợi ích, chiến lược kinh doanh của từng tổ chức tín dụng và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và M&A bắt buộc một số (khoảng 6-7 vụ) tổ chức tín dụng “dưới chuẩn” vào tổ chức tín dụng khác, với sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại Nhà nước và mở cửa nhiều hơn cho sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài./.

Nguyễn Trần Minh Trí (Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục