Xử lý phế liệu nhập khẩu: Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành

16:05' - 27/07/2018
BNEWS Nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu trong các ngành sản xuất thép, giấy, nhựa, xi măng … có xu hướng gia tăng. Tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp 2 lần so với năm 2016.
Phó Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu đang tham dự một cuộc họp. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Thời gian qua, hoạt động nhập khẩu phế liệu có nhiều diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cảng biển và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam xung quanh giải pháp quản lý việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp giải quyết hàng hóa tồn động tại cảng biển hiện nay. 

Phóng viên: Xin ông cho biết thực trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam trong thời gian vừa qua? 

Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu: Trong những năm qua, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu trong các ngành sản xuất thép, giấy, nhựa, xi măng … có xu hướng gia tăng. Tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp 2 lần so với năm 2016. Riêng 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gấp 2 lần so với cả năm 2017. 

Trong đó, sắt, thép phế liệu năm 2016 khối lượng nhập khẩu là 2.721.358 tấn thì sang năm 2017 con số này là 5.284.945 tấn. Riêng 5 tháng đầu năm nay, loại hàng hóa này được nhập khẩu vào Việt Nam là 2.145.394 tấn.

Qua đánh giá, hầu hết các loại phế liệu nhập khẩu đều nằm trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Về nguyên nhân sự gia tăng nhập khẩu phế liệu từ đầu năm 2017 đến nay là do nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu thu hút đầu tư... Từ đó, kéo theo nhu cầu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước tăng cao. Nguồn cung trong nước thiếu dẫn đến doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất.

Phóng viên: Hiện khối lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển như thế nào thưa ông?

Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu: Qua rà soát, tổng hợp báo cáo của các cơ quan đơn vị liên quan cho thấy, lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh đã dẫn đến nhiều lô hàng đã dỡ xuống cảng nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu do chưa có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Tính đến thời điểm hết tháng 6/2018, khối lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển khu vực Tp. Hồ Chí Minh và khu vực cảng biển Hải Phòng là 5.724 container.

Việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển Việt Nam làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cảng biển và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Điều này chậm lưu thông hàng hóa; giảm dung lượng bãi chứa container; ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu; làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Phóng viên: Theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tồn đọng phế liệu tại cảng biển Việt Nam ?

Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu: Từ cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế. Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu để tái chế đã dẫn đến các nước trước đây vẫn xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada…sẽ phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia.

Hiện một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á; trong đó có Việt Nam. Đó là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa.

Ngoài ra, theo thông tin từ các hãng tàu, một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do hãng tàu đã ký hợp đồng hoặc hàng đã được xếp lên tàu đang trên đường vận chuyển.

Một nguyên nhân nữa là một số chủ hàng nhập khẩu chưa có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán phế liệu. Từ đó, dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến Việt Nam nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu, khiến tồn đọng ở các cảng biển Việt Nam đặc biệt là tại cảng Cát Lái Tp. Hồ Chí Minh.

Tính đến thời điểm hết tháng 6/2018, khối lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển khu vực Tp. Hồ Chí Minh và khu vực cảng biển Hải Phòng là 5.724 container. Ảnh: minh họa/TTXVN
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, trong quá trình xử lý các container phế liệu nhập khẩu gặp một số bất cập, đặc biệt là sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?

Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu: Hiện nay, tham gia quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm nhiều bộ và các cơ quan chuyên môn của địa phương. Tuy nhiên, do hiện nay chưa có quy chế phối hợp liên ngành trong xử lý các vụ việc liên quan tới nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất dẫn tới nhiều bất cập.

Đặc biệt, hiện chưa có quy định pháp lý để ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với chủ tàu trong vận chuyển phế liệu nhập khẩu. Giấy phép nhập khẩu phế liệu chưa được quy định là điều kiện bắt buộc trong các hợp đồng kinh tế thương mại giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu và chủ tàu. Khi có vi phạm về vận chuyển hàng hóa thì không xử lý được trách nhiệm của chủ tàu.

Hiện nay, định nghĩa về phế thải và phế liệu được quy định tương đối giống nhau; không có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể đối với phế thải và phế liệu dẫn đến khó khăn cho Cơ quan Hải quan trong việc so sánh, đối chiếu, xác định hàng hóa là phế liệu hay phế thải.

Một số doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu phế liệu và các doanh nghiệp nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu sẽ tìm kẽ hở của pháp luật hiện hành để đưa các loại phế liệu không đáp ứng quy chuẩn vào Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp có Giấy xác nhận để nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Nhưng trong quá trình sản xuất không sử dụng hết số lượng phế liệu nhập khẩu sẽ tìm cách bán cho các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh tại các làng nghề (chưa được cấp Giấy xác nhận hoặc chưa đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường) làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường...

Phóng viên: Vậy theo Cục Hàng hải Việt Nam để quản lý hiệu quả nguồn nhập khẩu phế liệu cần thực hiện các giải pháp nào, thưa ông?

Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu: Đối với giải pháp từ phía Cục Hàng Hải Việt Nam, Cục đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc Cục tăng cường quản lý nhà nước tại cảng biển cũng như tập trung xử lý, giải quyết các hàng hóa phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.

Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các Cảng vụ hàng hải tăng cường phối hợp với cơ quan Hải quan, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển để kiểm tra tàu thuyền vận chuyển hàng hóa nhập khẩu là phế liệu.

Yêu cầu doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu thống kê loại hàng, số lượng và kiến nghị cơ quan hải quan khẩn trương phân loại để xử lý các container phế liệu tồn đọng.

Đối với doanh nghiệp cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các đơn vị này cần chủ động phối hợp với cơ quan hải quan, Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ các lô hàng phế liệu, thường xuyên thống kê, phân loại và phối hợp với hãng tàu, đại lý hãng tàu có kế hoạch xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển.

Đối với các hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ Giấy phép nhập khẩu của lô hàng phế liệu được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực trước khi đưa hàng lên tàu tại các cảng xuất khẩu và các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển kiểm tra

Giấy phép nhập khẩu của lô hàng phế liệu được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực trước khi cho hàng hóa dỡ xuống cảng...

Ngoài ra, để tăng cường quản lý về cảng biển cũng như tập trung xử lý, giải quyết các container phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận có ý kiến với các bộ, ngành như sau:

Cụ thể, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan (Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải,…) xây dựng quy chế phối hợp liên ngành để quản lý, kiểm tra, kiểm soát phế liệu nhập khẩu.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát các hồ sơ xin cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liêu sản xuất, nhanh chóng cấp Giấy xác nhận trong trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định, trường hợp không đủ điều kiện thì có văn bản yêu cầu doanh nghiệp thực hiện tái xuất lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam...

Đối với Bộ Công Thương, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị bộ này rà soát, kiểm tra việc thực hiện các Công ước, Điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia; rà soát các quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam theo thẩm quyền để có các giải pháp quản lý hàng hóa tồn đọng, chậm luân chuyển.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục