Xử lý tro xỉ mang lại lợi ích “kép”

08:01' - 19/12/2018
BNEWS Việc tăng cường sử dụng tro xỉ không chỉ giúp giảm bớt ô nhiễm môi trường mà còn tạo được nguồn tài nguyên cho sản xuất vật liệu.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện tổng lượng tro, xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, hóa chất đang tồn và lưu trữ khoảng 26 triệu tấn trong toàn quốc. 

Công ty CP Vật liệu không nung ATK Thái Nguyên tận dụng nguyên liệu tro xỉ thải để sản xuất gạch không nung. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Mỗi năm, các nhà máy này tiếp tục thải ra từ 12 - 12,5 triệu tấn. Thế nhưng, hiện tại mới chỉ có khoảng 40 - 50 nhà máy có cơ sở xử lý tro, xỉ, thạch cao với các công suất khác nhau.

Hiện cả nước mới chỉ xử lý được hơn 4 triệu tấn trong năm 2017. Như vậy, lượng tro, xỉ, thạch cao chưa được xử lý còn rất lớn.

Chính vì thế, cần phải tăng cường xử lý, sử dụng tro xỉ để giảm bớt ô nhiễm môi trường. Đây sẽ là mũi tên trúng 2 đích khi vừa giải được bài toán khó về tình trạng ùn ứ tro, xỉ, thạch cao thải ra trong quá trình sản xuất đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường; đồng thời lại tạo được nguồn tài nguyên cho sản xuất vật liệu.

Triển khai “Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng” được phê duyệt tại Quyết định số 452/QĐ-TTg, ngày 12/4/2017, với mong muốn Đề án đạt hiệu quả và đi vào thực tiễn, một trong những giải pháp đang được Bộ Xây dựng tập trung là xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Đảm nhận vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư, Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết đã lấy ý kiến của các bộ, ngành, đơn vị liên quan; trên cơ sở đó, tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo trước khi trình Bộ ban hành.

Đánh giá về nội dung này, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Phạm Văn Bắc khẳng định, khi Thông tư được ban hành sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên toàn quốc sử dụng tro, xỉ, chất thải của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, cũng như thạch cao của các nhà máy hóa chất khi đủ tiêu chuẩn để làm vật liệu xây dựng; hoặc sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Hướng dẫn này sẽ có tác dụng kép bởi khi sử dụng nhiều tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng thì đồng nghĩa với việc giảm bớt nguồn nguyên liệu là khoáng sản tự nhiên, góp phần tiết kiệm tài nguyên tự nhiên. Như vậy, ô nhiễm môi trường cũng sẽ giảm đáng kể - ông Bắc phân tích.

Theo đó, để được sử dụng, trước hết các loại tro, xỉ, thạch cao là chất thải thông thường, phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón, sản xuất thép và các cơ sở công nghiệp khác có tính chất phù hợp hoặc đã được xử lý phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cũng như các hướng dẫn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, vật liệu không nung, bê tông…).

Đây thậm chí cũng là nguồn nguyên liệu được sử dụng san lấp trong thi công xây dựng nhất là khi nguồn tài nguyên cát san lấp đã cạn kiệt.

Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, chỉ hướng dẫn sử dụng tro, xỉ, thạch cao sau xử lý bảo đảm tiêu chuẩn để sản xuất vật liệu xây dựng, còn loại chất thải chưa được xử lý hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn sẽ không được quy định trong thông tư này– ông Bắc chỉ rõ.

Hiện nay, tiêu chuẩn xỉ và tiêu chuẩn tro xỉ, thạch cao sản xuất xi măng, làm phụ gia và tiêu chuẩn tro, xỉ làm vật liệu san lấp đã được ban hành.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân (gồm cơ sở phát thải, chủ cơ sở xử lý tro, xỉ, thạch cao; cơ sở vận chuyển, sử dụng tro, xỉ, thạch cao; các chủ đầu tư các công trình sử dụng vốn nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước) cũng được phân định rõ ràng trong việc quản lý, vận chuyển, sử dụng tro, xỉ, thạch cao…

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay là liệu các chính sách đã đủ sức khuyến khích việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng hay chưa.

Theo quy định hiện hành tại Quyết định số 452/QĐ-TTg, các cơ sở sản xuất tro, xỉ, thạch cao được hưởng một số chế độ ưu đãi như được hỗ trợ tiền thuê mặt bằng xử lý; các đơn vị xả thải phải có chi phí bù cho đơn vị xử lý...

Ngoài ra, các cơ sở này còn được hưởng chính sách thuế đối với đơn vị xử lý chất thải rắn… Nếu các cơ sở xử lý tro, xỉ, thạch cao được hưởng hết các chế độ nói trên thì phần nào mới đủ sức khuyến khích trong việc xử lý tro, xỉ, thạch cao các nhà máy nhiệt điện, hóa chất – một chuyên gia đưa ra nhận xét.

Ở góc nhìn khác, ông Kiều Văn Mát, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường kiến nghị, phải coi tro, xỉ, thạch cao là nguồn nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng hoặc sử dụng trong các việc khác.

Nếu cứ coi đây là chất thải, nhất là chất thải nguy hại thì không sử dụng được. Do vậy, cũng cần có thêm cơ chế chính sách khuyến khích đối với các đơn vị sử dụng tro, xỉ, thạch cao đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng hoặc sử dụng trong các công trình xây dựng.

Hiện tại, Vụ Vật liệu xây dựng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự thảo Thông tư này với kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận tiện hơn cho quá trình sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu và trong các công trình xây dựng.

Ông Bắc khẳng định, việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao các nhà máy nhiệt điện, hóa chất đạt chuẩn làm nguyên liệu trong sản suất vật liệu xây dựng và công trình xây dựng sẽ rất hiệu quả. Ngành vật liệu xây dựng sẽ cần sử dụng rất nhiều để thay thế một phần khoáng sản, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề này không còn là chuyện riêng của ngành xây dựng mà cần có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, của xã hội và đặc biệt là những đơn vị xả thải./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục