Xuân về trên những làng chài xứ Thanh

13:30' - 12/02/2024
BNEWS Sau bao năm lênh đênh trên những con thuyền tạm bợ, đến nay, giấc mơ lên bờ của những người dân vạn chài ở tỉnh Thanh Hóa đã trở thành hiện thực.

Niềm vui ấy càng nhân lên khi lần đầu tiên họ được vui Xuân, đón Tết trên bờ trong những ngôi nhà mới khang trang, vững chãi.

 

Năm đầu tiên đón Tết trên bờ

Cặm cụi chăm sóc vườn rau nhỏ trước hiên nhà, chị Nguyễn Thị Hiền (xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) không giấu được niềm vui, hạnh phúc khi giấc mơ “lên bờ” của gia đình đã thành hiện thực.

Sinh ra và lớn lên trên sông nước, năm 20 tuổi khi lập gia đình, cuộc đời chị gắn bó với chiếc thuyền nan nay đây mai đó, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Tuy nhiên mấy năm gần đây, nguồn lợi thủy sản từ sông Chu đã cạn kiệt không còn khả năng khai thác nên đời sống của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương cấp đất và hỗ trợ xây dựng nhà cho đồng bào sinh sống trên sông, qua rà soát, gia đình chị Hiền đủ điều kiện được hỗ trợ.

Chị Hiền chia sẻ: “Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, gia đình tôi không còn phải lênh đênh trên sông nữa. Ban đầu, cuộc sống mới sẽ còn không ít khó khăn, nhưng đã có chốn “an cư” nên gia đình sẽ có hướng chuyển đổi nghề phù hợp. Qua Tết, tôi sẽ nộp hồ sơ xin làm ở công ty gần nhà. Các cháu lên bờ cũng sẽ có điều kiện học tập tốt hơn. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có chính sách quan tâm, tạo điều kiện cho dân chài chúng tôi lên bờ ổn định cuộc sống…”.

Có mặt tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, mọi người mới cảm nhận hết được niềm vui, sự phấn khởi của hàng chục hộ dân khi được chính quyền địa phương cấp đất và hỗ trợ xây dựng nhà mới. Con đường vào xóm đã được đổ bê tông sạch sẽ, thông thoáng. Những ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới được bố trí nằm san sát nhau… Đây là năm đầu tiên người dân được vui Xuân, đón Tết trên bờ trong chính ngôi nhà của mình, không phải lênh đênh trên sông nước. Vì vậy, mọi người đều phấn khởi tất bật dọn dẹp, trang trí nhà cửa; chuẩn bị lương thực, thực phẩm cần thiết cho ngày Tết.

Theo kết quả rà soát, trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 64 hộ sinh sống trên sông với 249 nhân khẩu, trong đó có 36 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở (34 hộ được cấp đất và 2 hộ tự mua đất). Sau thời gian triển khai, đến nay, các hộ đã xây dựng xong nhà ở với diện tích từ 56,7 - 200 m2/hộ; trong đó, kinh phí hỗ trợ của Ủy ban MTTQ tỉnh là 1,8 tỷ đồng (50 triệu đồng/nhà), Quỹ Caritas hỗ trợ 1,8 tỷ đồng (50 triệu đồng/nhà), huyện Thọ Xuân hỗ trợ 180 triệu đồng cùng với đó là kinh phí hỗ trợ của các xã, thị trấn, nhà hảo tâm, của anh em dòng họ. Tổng số tiền hỗ trợ, ủng hộ trên 12 tỷ đồng.

Ổn định đời sống người dân

Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Thọ Xuân cho biết, với cách làm linh hoạt, sáng tạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn trong việc thực hiện chủ trương cấp đất, hỗ trợ làm nhà cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông theo đúng quy định của pháp luật. Để động viên người dân ở nơi ở mới, Tết Nguyên đán năm nay, chính quyền địa phương đã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên và trao các suất quà thiết thực. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục quan tâm, chủ động giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình sinh sống của các hộ dân tại nơi ở mới.

Thực hiện chủ trương cấp đất, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở để đưa đồng bào sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Thiệu Hóa đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Khu tái Định cư cho đồng bào sinh sống trên sông tại thôn Lam Đạt (xã Thiệu Vũ) với tổng mức đầu tư gần 6,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện. Cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, sự hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, việc xây dựng nhà ở cho 28 hộ dân đã được đồng loạt tiến hành, lễ khởi công được thực hiện ngày 6/4/2023. Sau hơn 3 tháng, Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 năm nay, 28 hộ đã xây dựng xong nhà ở và các công trình phụ trợ, rời thuyền chuyển về sinh sống tại khu tái định cư trong niềm phấn khởi.

Trong ngôi nhà rộng chừng 100 m2 còn thơm mùi sơn mới, ông Nguyễn Văn Mười (67 tuổi, ở thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ) tâm sự, giấc mơ của rất nhiều thế hệ làng chài là được sinh sống trên bờ. Nay, giấc mơ đó đã trở thành hiện thực. Ông biết ơn Đảng, biết ơn Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Vũ cho biết, ngay sau khi bàn giao nhà cho các hộ, địa phương đã thực hiện các chính sách ổn định đời sống cho người dân như: Yêu cầu các nhà trường tiếp nhận học sinh chuyển về, tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu học tập, tìm kiếm và hỗ trợ đào tạo, dạy nghề để người dân có việc làm, yên tâm ổn định đời sống. Đồng thời, Đảng ủy xã Thiệu Vũ đã chỉ đạo UBND xã rà soát diện tích đất nông nghiệp, đất thầu ngân sách xã, đất của các hộ nông dân không có nhu cầu sử dụng, ưu tiên giao cho các gia đình có nhu cầu sản xuất nông nghiệp…

Theo số liệu của Ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa, đến nay, qua rà soát 247 hộ dân sinh sống trên sông cho thấy có 183 hộ đủ điều kiện được cấp đất ở, 64 hộ không đủ điều kiện cấp đất. Đồng thời, các huyện đã kêu gọi nguồn quỹ hỗ trợ xây dựng nhà, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân sinh sống trên sông được 4.410 tỷ đồng.

Một cuộc sống hoàn toàn mới đối với người dân bao đời quen với sống nước sẽ không dễ dàng. Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, đời sống của người dân đang dần ổn định. Kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã; sự góp sức của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục