Xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ giảm mạnh​

18:05' - 16/09/2017
BNEWS Trong tháng 8/2017 xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đạt 18,44 triệu USD, giảm 58,5% so với tháng 7/2017 (44,45 triệu USD) và giảm 54,8% so với tháng 8/2016 (40,8 triệu USD).
Xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ giảm mạnh​. Ảnh: TTXVN
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), sau khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tiến hành kiểm tra 100% lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 2/8/2017, đến nay, bước đầu đã ghi nhận một số khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam, đặc biệt, cá tra xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm mạnh.
Cụ thể, trong tháng 8/2017 xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đạt 18,44 triệu USD, giảm 58,5% so với tháng 7/2017 (44,45 triệu USD) và giảm 54,8% so với tháng 8/2016 (40,8 triệu USD).
Cũng theo Vasep, hiện tại đã có một số ách tắc và quá tải kho bãi (đặc biệt là tại cảng Los Angeles). Đến thời điểm này, các doanh nghiệp cá tra ghi nhận một số nhà nhập khẩu lớn đã có kho riêng được USDA xét duyệt làm I-house (kho) nên hy vọng sẽ tránh được vấn đề này trong tương lai.
Tuy nhiên, đa số các cảng vẫn đang thiếu nhân viên kiểm tra của Cục Kiểm dịch và An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc USDA. Đa số kiểm soát viên phải kiểm hàng ở ít nhất 2-3 kho/ngày, làm giảm số lượng container hàng có thể kiểm và tăng thời gian chờ đợi cũng như chi phí kho và chậm việc lưu thông hàng hóa tại thị trường.
Bên cạnh đó, nếu các kho tại khu vực gần cảng đến bị quá tải thì sẽ phát sinh dự kiến khoảng 1.000 - 2.000 USD/container chi phí vận chuyển nội địa đến kho khác.
Tổng cộng chương trình kiểm tra hàng đến của USDA làm tăng chi phí khoảng 0,1 - 0,25 USD/kg sản phẩm (tương đương 3 - 7% giá bán), làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm cá tra tại thị trường Hoa Kỳ.
Ngoài ra, việc thực hiện kiểm tra 100% hàng đến còn làm mất rất nhiều thời gian chờ đợi trước khi sản phẩm được chính thức cho phép đưa ra thị trường tiêu thụ.
Vasep dẫn chứng, cho đến thời điểm hiện nay Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn có gần 200 container được kiểm và chấp thuận với thời gian bình quân là 10 ngày tính từ ngày hàng hóa đến cảng. Trong trường hợp hàng thuộc chế độ kiểm tại phòng thí nghiệm độc lập thứ 3 thì sẽ mất tổng cộng 1 đến 2 tháng tùy theo mức độ yêu cầu hồ sơ của từng cơ quan FSIS tại địa phương. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn hiện tồn bao bì cho hơn 150 container với chi phí hơn 5 tỷ đồng, không sử dụng được...
Ngoài ra, còn một vấn đề khẩn cấp doanh nghiệp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ để tránh những tổn thất lớn và ách tắc xuất khẩu trong tháng 9 và những tháng tiếp theo.
Cụ thể, ngày 24/8 một số cơ quan FSIS địa phương ra thông báo sẽ bắt đầu kiểm ghi nhãn vào ngày 1/9 tính theo ngày hàng được xếp lịch kiểm. Khi áp dụng kiểm hàng vào ngày 2/8 họ tính theo ngày thông quan và đồng thời tại cuộc họp ở Richmond VA giữa FSIS và các doanh nghiệp ngày 27/6, FSIS có xác nhận sẽ sử dụng ngày thông quan cho ngày 1/9.
Thông thường hàng hóa đến Hoa Kỳ sẽ được thông quan khoảng 5 ngày trước khi hàng đến, cộng với thời gian giao hàng đến kho và xin lịch kiểm tra từ FSIS kéo dài, có một số lô hàng đã thông quan ngày 11/8 nhưng đến ngày 8/9 vẫn chưa có lịch kiểm.
Nghĩa là các lô hàng này đáng lẽ không thuộc diện phải tuân thủ quy định ghi nhãn mới nhưng do cách tính thay đổi của FSIS và do có khoảng thời gian khá dài từ lúc thông quan đến lúc có lịch kiểm mà những lô hàng này sẽ bị từ chối nhập khẩu.
Đến thời điểm này, riêng Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đã có 6 lô hàng bị thông báo từ chối do ghi nhãn. Việc thay đổi cách kiểm hàng vào phút chót trong lúc hàng đã xuất đi từ Việt Nam gây khó khăn và tổn thất cho doanh nghiệp Việt Nam. Các lô hàng này, do không dự tính được động thái này của FSIS, doanh nghiệp vẫn xuất với bao bì cũ, chưa tuân thủ về quy định ghi nhãn mới, dự kiến riêng Vĩnh Hoàn có khoảng gần 130 container sẽ rơi vào trường hợp này.
Để tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn và hợp tác kỹ thuật giữa các cơ quan quản lý ngành, Vasep đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thư phản ánh, kiến nghị giúp doanh nghiệp về những khó khăn trên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục