Xuất khẩu cá tra sang Mỹ: Doanh nghiệp vẫn "đối mặt" với trở ngại

19:00' - 18/09/2018
BNEWS Theo VASEP, chỉ khi nào phía Mỹ bãi bỏ việc thực hiện Chương trình Thanh tra cá da trơn và xoá thuế chống bán phá giá thì mới thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa ở thị trường này.

Trong vài ngày gần đây, 2 rào cản lớn nhất đối với xuất khẩu cá tra tại thị trường này là Chương trình Thanh tra cá da trơn và thuế chống bán phá đã từng bước được tháo gỡ, được dự báo sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu cá tra sang thị trường này vẫn chưa thực sự “dễ thở” như kỳ vọng.
* Tín hiệu tích cực

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Văn Khánh/TTXVN

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Cục kiểm tra An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa đề xuất với Văn phòng Đăng ký liên bang đăng bản Dự thảo lấy ý kiến đề xuất công nhận 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriformes (bộ cá da trơn, bao gồm cá tra, ba sa…) vào thị trường Mỹ.
Đề xuất này thông báo về việc FSIS đưa ra quyết định công nhận hệ thống kiểm tra cá Siluriformes ở Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan tương đương với hệ thống của Mỹ. Nếu đây là quyết định cuối cùng của Mỹ, thì 3 nước trên sẽ đủ điều kiện xuất khẩu cá Siluriformes sang quốc gia này.
Thông tin trên thực sự là tin vui của ngành cá tra, bởi lẽ đây là một trong những rào cản lớn của xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong vài năm gần đây.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP cho biết: Việc FSIS công nhận hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam tương đương với Mỹ chứng minh quy trình sản xuất cá tra của Việt Nam được tổ chức kiểm soát tốt và hoàn toàn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này sẽ góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh cá tra Việt Nam không chỉ riêng ở thị trường Mỹ mà còn ở các thị trường nhập khẩu khác hiện nay.
Đại diện VASEP cũng cho rằng, sự công nhận trên cũng đồng nghĩa với việc cá tra Việt Nam sẽ không bị cấm xuất khẩu vào Mỹ. Các doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư sản xuất, phát triển mạnh ở thị trường này trong thời gian tới.
Không chỉ vậy, xuất khẩu cá tra sang Mỹ cũng nhận được tín hiệu tốt khi cách đây gần một tuần, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017 đối với sản phẩm cá tra và basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Theo đó, mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg và 1,37 USD/kg. Thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg và thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát POR13 là 3,87 USD/kg. Dù đây mới là kết quả sơ bộ, dự kiến tháng 1/2019 DOC mới ban hành kết luận cuối cùng, song đây được xem là tín hiệu tích cực với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Mặt khác, việc Mỹ vừa công bố áp thuế nhập khẩu với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, trong đó có mặt hàng thuỷ sản cũng được dự báo sẽ mang lại cơ hội cho cá tra Việt Nam giành thị phần từ cá rô phi Trung Quốc ở thị trường Mỹ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thông, Đại học Nam Đan Mạch, Trung Quốc hiện là nhà cung ứng thủy sản lớn nhất cho Mỹ với sản phẩm chủ lực là cá rô phi. Đây là loại cá thịt trắng cạnh tranh trực tiếp với cá tra của Việt Nam. Do vậy, việc Mỹ áp mức thuế cao lên thủy sản Trung Quốc thì cá tra Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh về giá hơn so với cá rô phi của Trung Quốc tại thị trường Mỹ.
* Vẫn còn không ít trở ngại

Chế biến các sản phẩm từ cá tra tại Nhà máy thủy sản Ấn Độ Dương. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên theo VASEP, chỉ khi nào phía Mỹ bãi bỏ việc thực hiện Chương trình Thanh tra cá da trơn và xoá thuế chống bán phá giá hoặc áp thuế với mức thấp thì mới thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa ở thị trường này.
Theo ông Trương Đình Hoè, với cơ chế công nhận tương đương như hiện nay, khi có những biến động lớn, Mỹ vẫn có thể ngưng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Do vậy, song song với việc cố gắng để được công nhận tương đương, Việt Nam đã nộp đơn khiếu kiện Chương trình Thanh tra cá da trơn và yêu cầu tham vấn tới Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cũng theo ông Hoè, Chương trình Thanh tra cá da trơn không chỉ quá khắc nghiệt mà còn vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) theo thoả thuận WTO giữa các quốc gia với nhau. Do vậy, chỉ khi WTO phán quyết biện pháp này không phù hợp với thoả thuận của WTO và bãi bỏ thì lúc đó các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ mới thực sự yên tâm hoàn toàn.
Về rào cản thuế chống bán phá giá, hiện đang là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ chịu mức thuế suất cao nhất kể từ trước đến nay trong POR13, với mức thuế 3,87 USD/kg. Đây là mức thuế hết sức vô lý và là nguyên nhân chính khiến số lượng doanh nghiệp xuất sang thị trường này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Dù POR14 vừa được công bố thấp hơn nhiều so với POR13, nhưng đó mới là kết quả sơ bộ. Do vậy, từ nay đến cuối năm 2018, sẽ khó có thêm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này, ngoại trừ những doanh nghiệp đang được hưởng mức thuế suất thấp như Vĩnh Hoàn, Biển Đông.
Hiện VASEP và các doanh nghiệp cá tra sang Mỹ đã tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ. Từ đó, yêu cầu DOC phải xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác và hợp lý cho các thông tin trong POR13.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ đầu năm đến nay, nhờ giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ nên xuất khẩu cá tra sang Mỹ cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt trên 255 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 21,3% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Hiện Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Trung Quốc.
Để thúc đẩy ngành cá tra phát triển bền vững trong thời gian tới, ông Quốc cho biết, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đang tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất theo chuỗi. Dù quy trình này vẫn chưa hoàn chỉnh toàn toàn nhưng có thể đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu khó tính nhất hiện nay, như Mỹ, EU…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phối hợp với cơ quan chức năng triển khai thực hiện chương trình cải thiện chất lượng giống cá tra theo Đề án giống cá tra 3 cấp; đẩy mạnh chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường.

Đồng thời, phối hợp triển khai hiệu quả “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá da trơn xuất khẩu sang Mỹ” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kiểm soát tốt chất lượng xuất khẩu, giảm thiểu hàng bị trả về gây thiệt hại cho doanh nghiệp…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục